Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Bạn đã biết gì về franchising- Nhượng quyền thương hiệu (Phần 1)

Có thể bạn muốn tự xây dựng công việc kinh doanh của mình, bởi vì bạn muốn tự mình làm chủ? Nhưng bạn có nhất thiết phải bắt đầu từ vạch xuất phát không? Hay bạn nên mua lại công việc kinh doanh của những ông chủ khác, khi họ đang muốn sang nhượng lại cơ sở để nghỉ ngơi? Hoặc là, bạn nên mua một đơn vị kinh doanh theo hình thức nhượng quyền?

Bạn sẽ băn khoăn tự hỏi, bạn có còn là chủ không, khi mua một đơn vị nhượng quyền? Những người cùng kinh doanh theo hình thức nhượng quyền này sẽ là đồng minh hay trở thành đối thủ của bạn? Và bạn cần những kỹ năng đặc biệt nào để quản lý một cơ sở nhượng quyền?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết nhằm giúp bạn có khái niệm đầy đủ về vấn đề nhượng quyền kinh doanh, từ đó tự quyết xem liệu đây có phải là hình thức kinh doanh phù hợp với bạn không.

Nhượng quyền kinh doanh là gì?

Hãy thử tưởng tượng rằng bạn sắp mở cửa hàng ăn nhanh McDonald's. Muốn làm được việc đó, bạn cần phải mua "quyền kinh doanh" của Công ty McDonald's. Để có đủ tư cách của một chủ cơ sở nhượng quyền theo quy ước thông thường, bạn phải có 175 ngàn USD (đây không được là khoản tiền vay mượn). Nhưng toàn bộ chi phí cho việc mở cửa hàng như thuê mặt bằng, xây dựng, trang trí, mua sắm trang thiết bị … sẽ nằm đâu đó trong khoảng từ 430 ngàn đến 750 ngàn USD, và 40% trong số này phải do bạn tự đầu tư (bằng tiền của bản thân).

Bạn sẽ trả trực tiếp cho công ty McDonald's số tiền 45 ngàn USD gọi là Phí đăng ký nhượng quyền ban đầu. Những chi phí khác sẽ được thanh toán cho các nhà cung cấp, vì thế đây là loại phí duy nhất bạn phải trả cho McDonald's. Sau đó, bạn sẽ tham gia một khoá huấn luyện nghiêm ngặt kéo dài 9 tháng, nơi bạn được dạy về các phương pháp làm việc theo đúng phong cách đặc trưng của McDonald's như: tiêu chuẩn chất lượng, cung cách phục vụ, giá trị hình ảnh thương hiệu, công thức và cách chế biến từng món trong thực đơn, cách thức quản lý, các kỹ năng kiểm kê, giám sát… Bạn buộc phải chấp nhận điều kiện chỉ được mở một cửa hàng McDonald's tại một địa điểm nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 20 năm, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc về bài trí cửa hàng, tuyển dụng nhân viên…và tất cả những yếu tố khác nữa, sao cho cửa hàng McDonald's của bạn toát lên được "thần thái" của một McDonald's thực sự.

Sau khi bạn kết thúc khoá huấn luyện và đã sẵn sàng bắt tay vào việc, Mc Donald's sẽ giới thiệu cho bạn một địa điểm kinh doanh đã được lựa chọn từ trước. Mặt ngoài của toà nhà sẽ được hoàn thiện, nhưng bạn phải chú ý phần nội thất bên trong sao cho có thể sắp xếp một cách hợp lý các thiết bị nhà bếp, chỗ ngồi, cảnh quan trang trí ...Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ một nhân viên thuộc Bộ phận tư vấn của McDonald's, người sẽ định kỳ ghé thăm cơ sở kinh doanh của bạn, cho bạn những lời khuyên hữu ích, cũng như hướng dẫn và giải thích mọi việc một cách chi tiết. Bạn sẽ trả cho McDonald's khoản phí hàng tháng là 4% trích từ doanh thu bán hàng, và cộng thêm tiền thuê mặt bằng ít nhất cũng chiếm 8,5% nữa. Lợi nhuận từ cửa hàng của bạn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ vị trí tọa lạc và thói quen của cư dân trong khu vực, cho đến hiệu quả của việc kiểm soát chi phí, kể cả khả năng điều hành và tổ chức hoạt động kinh doanh của bạn.

Có thể bạn đang nghĩ rằng, nhượng quyền là trả cho ai đó một số tiền để được sở hữu tất cả chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp thị, chiến lược điều hành và luôn cả danh tiếng của họ. Điều đó quả thực hơi vượt quá bản chất của hình thức nhượng quyền: bạn thiết lập mối quan hệ với một "đại gia" danh tiếng, sử dụng hệ thống của họ và lợi dụng khả năng nhận biết thương hiệu nổi tiếng này trong tâm thức của người tiêu dùng, nhằm mục đích rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư của bạn. Khi hoạt động kinh doanh theo hình thức nhượng quyền, bạn đang khai thác thế mạnh của hệ thống quản lý cũng như thương hiệu đã được kiểm chứng và thử thách qua thời gian, vì thế, bạn buộc phải tuân thủ theo "luật chơi" của công ty bán quyền đó.

Vậy bạn có phải là chủ cơ sở kinh doanh của mình không? Ở một vài khía cạnh thì câu trả lời là không. Bạn vẫn phải báo cáo với một người nào đó, và thực hiện công việc theo những chỉ dẫn của họ. Về thực chất, bạn không làm chủ hoạt động kinh doanh đó, mà chỉ sở hữu số tài sản bạn đầu tư để tạo dựng cơ sở kinh doanh.

Những ưu điểm của hình thức kinh doanh nhượng quyền

Theo nghiên cứu và thống kê của Robert Gappa trên website Franchise UPDATE, chỉ tính riêng nước Mỹ đã có đến 2.500 hệ thống nhượng quyền, với hơn 534.000 điểm hoạt động trên toàn lãnh thổ, chiếm 3,2% tổng các cơ sở kinh doanh và 35% doanh thu bán lẻ và dịch vụ nước này.

Ưu điểm lớn nhất của nhượng quyền là giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Nguyên nhân là các cơ sở nhượng quyền được thành lập theo hình mẫu có sẵn và phát triển nhanh hơn, nhờ đó sinh lợi nhanh hơn. Một nguyên nhân khác nữa là do ở đây có phương pháp quản lý tốt hơn, đồng thời thương hiệu đã nổi tiếng và được người tiêu dùng tín nhiệm. Theo tài liệu Small Business Administration (SBA), hầu hết những doanh nghiệp nhỏ thất bại là do quản lý yếu kém. Trong bối cảnh này, phương án kinh doanh dựa trên hình thức nhượng quyền có lẽ khả thi hơn cả- thuê một cơ sở nhượng quyền về bản chất là thuê bí quyết quản trị của một doanh nghiệp đã thành công.

Bạn còn có thể dễ dàng thương lượng với nhà cung cấp, vì công ty nhượng quyền có thể mua và cung cấp vật tư cho toàn bộ hệ thống với số lượng lớn rồi chuyển phần chi phí tiết kiệm đó cho bạn và những đơn vị khác tương tự.

Việc được khách hàng nhận biết ngay cũng là một lợi thế lớn. Khách hàng thường chọn lựa cái họ đã biết chứ không phải cái họ chưa từng nghe đến. Hãy tưởng tượng, bạn đến một thị trấn xa lạ chưa từng một lần ghé thăm trước đó, và bạn trông thấy hai cửa hàng- một của Gà Rán Kentucky và cửa hàng kia mang tên Gà rán Billy Bob's, bạn sẽ dừng lại ở cửa hàng nào? Khi biết Billy Bob's là một quán bán gà rán của địa phương, có lẽ bạn sẽ không muốn chọn nó làm điểm dừng chân.

Về phía khách hàng, ưu điểm của một cơ sở nhượng quyền là cảm giác thoái mái, yên tâm với chất lượng sản phẩm mình đang sử dụng. Bạn biết rằng, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ ở một địa điểm kinh doanh sẽ bị đem so sánh với cùng sản phẩm hay dịch vụ đó ở những điểm kinh doanh khác. Bạn biết những cơ sở nhượng quyền khác có lợi thế gì, và bạn cũng biết mình phải làm gì để tạo được ưu thế cho cơ sở của mình. Ở vị trí của một đơn vị nhận nhượng quyền tiềm năng, những câu hỏi đặt ra cho bạn là: bạn có cố gắng tìm kiếm cho mình một vẻ độc đáo riêng biệt? Hay đơn giản là bạn chỉ trông coi công việc kinh doanh, bất kể là công việc đó được sắp xếp theo luật lệ của ai?

Trước khi trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cùng lướt qua thêm vài chi tiết về cách vận hành một đơn vị nhượng quyền.

Các quy định: phí phải nộp

Có 2 nhóm chính tham gia vào hình thức kinh doanh nhượng quyền, gồm có bên bán hay cho thuê (franchisor: cá nhân hoặc doanh nghiệp cho thuê quyền kinh doanh, bao gồm cả thương hiệu và hệ thống sản xuất, quản lý) và bên mua hay thuê (franchisee: người thuê lại quyền đó).

Quyền kinh doanh đó được bên bán (franchisor) bán cho bên mua (franchisee) để thu về một số tiền ban đầu, thường gọi là phí gia nhập hay Phí nhượng quyền (franchise fee). Số tiền này phải giao ngay sau khi hợp đồng được ký kết. Hợp đồng nhượng quyền (franchise agreement) này sẽ chi tiết hoá tất cả những điều khoản ràng buộc và nghĩa vụ của cả bên mua và bên bán, cũng như thời gian hợp đồng có hiệu lực (thường là vài năm). Hợp đồng này sẽ được ký lại khi hết hiệu lực.

Phí nhượng quyền ban đầu chỉ bao gồm quyền sử dụng tên và hệ thống sản xuất, điều hành, đôi khi bao gồm cả việc đào tạo theo chế độ, những thủ tục, tài liệu hướng dẫn, và một số chi tiết phụ trợ khác. Phí này không gồm những thứ như: tài sản cố định, bàn ghế, bất động sản…

Ngoài phí nhượng quyền, bên mua còn phải trả một loại phí khác gọi là Phí thành viên (royalty fees) hay những khoản thanh toán khác theo thỏa thuận để tiếp tục kinh doanh. Phần chi phí này thường được trích ra từ doanh thu bán hàng, nhưng cũng có thể là một khoản xác định. Tất cả những điều khoản này phải quy định rõ trong hợp đồng nhượng quyền. Phí này được sử dụng vào mục đích duy trì các loại dịch vụ tư vấn và hỗ trợ mà bên bán sẽ cung cấp cho bên mua. Bên bán cũng có thể cung cấp nguyên vật liệu trực tiếp cho bên mua.

Ngân sách dành cho quảng cáo được chi trả định kỳ. Khoản tiền này thường được đưa vào tài khoảng chung để sử dụng vào chiến dịch quảng cáo hay khuyến mãi của cả hệ thống trên phạm vi địa phương hay toàn quốc.

Các quy định: những ràng buộc của hợp đồng

Thành công của hầu hết các đơn vị nhượng quyền đều dựa trên hệ thống hoạt động, những phương thức và sản phẩm có sẵn. Chính vì thế, công ty nhượng quyền buộc phải bảo vệ những thông tin mang tính độc quyền cũng như thương hiệu của mình. Để thực hiện điều đó, họ đặt ra những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, nhằm chi phối những hoạt động của các đơn vị được nhượng quyền.

Ví dụ, một trong những điều khoản ràng buộc thường thấy là bên mua quyền không được thành lập hay điều hành bất cứ cơ sở nào khác thuộc lĩnh vực kinh doanh tương tự trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực. Điều khoản này gọi là "chống cạnh tranh trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng" (in-term non-competition covenants). Cũng có trường hợp bên bán quyền ngăn cấm bên mua kinh doanh ngành hàng tương tự kể cả sau khi hợp đồng đã hết hiệu lực bằng điều khoản "chống cạnh tranh giai đoạn hậu hiệu lực của hợp đồng" (post-term non-competition covenants). Mỗi địa phương đều có những ràng buộc riêng trong hợp đồng về vấn đề chống cạnh tranh. Thông thường, hợp đồng với điều khoản chống cạnh tranh trong thời gian hiệu lực được sử dụng nhiều hơn so với hậu hiệu lực.

Các quy định: những bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh thường được coi là yếu tố sống còn đối với thành công của một công ty. Một nguyên tắc được ngầm hiểu là bên mua quyền phải tuyệt đối giữ bí mật này. Việc này không những bảo vệ cho bên nhượng quyền, mà còn đảm bảo cho vốn đầu tư cá nhân của bên được nhượng quyền.

Lựa chọn một phương thức nhượng quyền phù hợp

Làm cách nào để chọn mua được một cơ sở nhượng quyền phù hợp với nhu cầu, khả năng và sở thích của bạn nhất, đồng thời chắc chắn rằng tổ chức mình chuẩn bị tham gia là một công ty uy tín hàng đầu? Sau đây là một số bước khởi đầu giúp bạn cắt tỉa bớt những cành lá rậm rạp để nhìn rõ hơn thân cây - vấn đề chính của chúng ta.

Trước tiên, hãy nghĩ về bầu không khí làm việc mà bạn quan tâm cùng những đòi hỏi và luật lệ cần thiết để vận hành những công việc khác nhau trong những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, bạn có thích làm việc muộn và liên tục trong nhiều giờ không? Thích thuê mướn và điều hành nhiều nhân viên, thích giao tiếp nhiều với công chúng? Nếu như thế, bạn nên cân nhắc việc tham gia vào ngành hàng dịch vụ ăn uống. Hãy dành nhiều thời gian suy nghĩ thật kỹ càng về những ngành nghề phù hợp với phong cách sống của bạn. Bạn hãy lôi kéo người thân, bạn bè hay cả đồng nghiệp vào công việc kinh doanh này. Hãy viết tất cả mục tiêu của bạn ra giấy. Đôi khi, chính hành động ghi chép này sẽ giúp bạn xác định rõ ràng những điều bạn thực sự muốn làm.

Một khi đã xác định rõ những tiêu chuẩn tổng quát của lĩnh vực kinh doanh mình muốn tham gia, bạn nên đi dạo một vòng qua các website giới thiệu về vấn đề nhượng quyền mà chúng tôi sẽ liệt kê sau trong phần cuối loạt bài này. Ở hầu hết các website đó, bạn có thể tìm kiếm những công ty nhượng quyền dựa trên mức độ đầu tư, loại hình kinh doanh, và đôi khi là khu vực địa lý. Một số trang web thậm chí còn cung cấp thêm tài liệu thống kê về tổng số vốn đầu tư cần bỏ ra, cũng như phí thành viên hay những đóng góp cho quảng cáo. Bạn cũng có thể tìm đến nhà tư vấn về nhượng quyền (franchising consultant ) để lựa chọn nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Khi đã liệt kê những thông tin thu thập được, bạn hãy bắt đầu bằng việc liên hệ với các công ty nhượng quyền để biết thêm thông tin bổ sung. Một điều bạn cần phải lưu ý trong giai đoạn này là trong khi bạn tìm kiếm những công ty lớn để mua nhuợng quyền, thì chính các công ty này cũng đang săn tìm nhà đầu tư như bạn. Do đó, bạn dự định sẽ hỏi phía bên kia nhiều thế nào, thì bạn cũng sẽ bị hỏi ngược lại nhiều như vậy, bởi vì cả hai bên đều có nhu cầu nắm bắt thông tin tối đa về nhau. Cả hai phía đều phải thừa nhận rằng, đây "cuộc đấu" thú vị để có một sự khởi đầu tốt đẹp.

Bạn đã biết gì về franchising- Nhượng quyền thương hiệu (Phần 2-Hết)

Phần này sẽ nói về thủ tục nhượng quyền cũng như các yếu tố pháp lý liên quan đến hợp đồng nhượng quyền.

Tiến trình nhượng quyền

Bạn cần phải làm những gì khi đã liên hệ được với các công ty nhượng quyền? Sau đây là một số điều bạn cần tham khảo:

1. Thông thường, các công ty nhượng quyền sẽ gửi cho bạn thông tin về sản phẩm hoặc tài liệu liên quan đến sản phẩm đó, đồng thời yêu cầu bạn trả lời những câu hỏi kèm theo. Và như vậy, để mọi việc diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, bạn sẽ phải hoàn chỉnh quá trình trao đổi thông tin này.

2. Tìm hiểu, thu thập nguồn thông tin liên quan đến việc nhượng quyền, ví dụ:

•           Lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp nhượng quyền, chủ nhân của công ty, các đại lý, chi nhánh (nếu có)

•           Tính pháp lý của doanh nghiệp nhượng quyền

•           Phí nhượng quyền

•           Vốn đầu tư

•           Trách nhiệm, nghĩa vụ, khả năng tài chính của doanh nghiệp nhượng quyền cũng như đối tác của việc nhượng quyền

•           Nhãn hiệu của sản phẩm nhượng quyền

•           Bằng sáng chế, các thông tin về quyền sở hữu bằng sáng chế

•           Những điều khoản nghiêm cấm trong kinh doanh nhượng quyền

•           Gia hạn, thanh lý, chuyển nhượng hoặc việc giải quyết các tranh chấp phát sinh.

•           Báo cáo tài chính

•           Kênh tiêu thụ sản phẩm

•           Các hợp đồng ...

3. Cố gắng tham quan các cở sở được nhượng quyền càng nhiều càng tốt. Tranh thủ gặp gỡ trực tiếp chủ nhân của các cơ sở này đồng thời nên để ý đến quan điểm của họ về công ty nhượng quyền. Hãy hỏi xem họ được hỗ trợ thế nào, được huấn luyện ra sao trong bước khởi sự ban đầu, công ty nhượng quyền có giúp họ lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp không, có nỗ lực quảng cáo cho hình ảnh của mình không. Hãy thử tìm hiểu xem việc kinh doanh của các cơ sở được nhượng quyền này có thực sự sinh lời không, chi phí cho quảng cáo được sử dụng ra sao, kết quả nhận được có giống điều họ từng trông đợi hay không, tổng số tiền đầu tư có vượt ra ngoài dự kiến không…

Càng tìm hiểu kỹ càng mọi chi tiết liên quan đến việc nhượng quyền, bạn càng có cơ sở để đánh giá sự việc. Hãy học cách tự đánh giá sự việc để có thể nhận dạng các nguy cơ tiềm ẩn nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh.

4. Xem xét lại kế hoạch kinh doanh, triết lý điều hành cũng như phân tích thị trường của doanh nghiệp nhượng quyền. Cố gắng gặp trực tiếp chủ nhượng quyền hoặc những người chịu trách nhiệm về vấn đề này và hãy nhớ đưa ra các câu hỏi sau trong cuộc gặp với họ:

-     Những thông tin công ty cung cấp đã cụ thể, rõ ràng chưa ?

-     Chương trình huấn luyện đề cập trong tài liệu có thật sự thấu đáo chưa?

-     Những thông tin mà bạn nhận từ các cơ sở được nhuợng quyền có chính xác không?

-     Thị trường có rộng không?

-    Có nhiều cơ sở muốn mua nhượng quyền trong khu vực bạn chọn không? nếu khu vực mà bạn chọn đã có nhiều đối tác kinh doanh, nên tìm một nơi khác.

-    Nếu như khu vực của bạn hoàn toàn trống trải thì đây cũng chưa hẳn đã là tin tốt lành, vì rất có thể, vị trí của bạn sẽ bị các đối thủ cạnh tranh dòm ngó. Điều này sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc phân chia lại thị trường .

Hãy ghi chú thật cẩn thận về từng cơ hội kinh doanh mà bạn dự tính sẽ theo đuổi. Bạn phải đảm bảo được rằng, các chính sách kinh doanh nhượng quyền của doanh nghiệp đã được hiểu một cách tường tận và thấu đáo. Dựa trên những gì thu thập được cũng như sự hiểu biết, cảm nhận của một doanh nhân, bạn mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng: có nên đầu tư hay không.

Lập kế hoạch

Nhìn chung, khi bắt đầu mua quyền kinh doanh, bạn sẽ cần một khoản tài chính cho việc đầu tư ban đầu. Và điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải vay mượn. Để thực hiện được điều này, bạn cần phải có một kế hoạch kinh doanh khả thi. Nên nhớ rằng, việc lập một kế hoạch kinh doanh để mua nhượng quyền là một việc hết sức quan trọng và bởi vậy, bạn không những phải chi tiết hoá chiến lược kinh doanh, các dự án, mà còn phải ghi rõ lý do tại sao bạn có đủ khả năng để điều hành công việc kinh doanh trên.

Công ty nhượng quyền có thể sẽ có chính sách giúp bạn có được khoản vay mượn như mong muốn, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sẽ giúp bạn lập kế hoạch kinh doanh bởi không có lý do gì khiến họ phải gánh chịu nghĩa vụ pháp lý một khi có rủi ro phát sinh. Đương nhiên là họ không muốn nhúng mũi vào những việc kiện tụng nếu như trong kế hoạch kinh doanh của bạn có sai sót nào đó. Thông thường, bạn sẽ phải lập kế hoạch kinh doanh theo bản mẫu được cung cấp bởi công ty nhượng quyền. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra sau khi hợp đồng mua bán nhượng quyền được ký kết. Lúc đó, bạn sẽ được tham dự các khoá huấn luyện của họ, tại đó, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể. Một điểm mà bạn cần lưu ý là các mẫu này không bao gồm các thông tin tài chính của dự án.

Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải tự mình điều nghiên thị trường, đặc biệt là nghiên cứu đối thủ cạnh tranh…Một số điểm khác biệt mà bạn cần lưu ý - đó là việc xây dựng, cân nhắc mức phí mua nhượng quyền, phí sở hữu bản quyền, phí quảng cáo cũng như một số phí khác có liên quan...Và đây là lúc mà bạn cần đến sự hỗ trợ đắc lực của nhân viên kế toán.

Về góc độ pháp lý

Có rất nhiều yếu tố liên quan đến hợp đồng nhượng quyền. Theo các chuyên gia về kinh doanh nhượng quyền, trong quá trình thỏa thuận, bạn cần chú ý đến các vấn đề sau:

- Xem xét kỹ về Tài liệu Cung cấp thông tin nhượng quyền ( UFOC : Uniform Franchise Offering Circular ) và định giá cơ hội đầu tư.

- Thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng.

- Lựa chọn khung pháp lý phù hợp nhằm giới hạn nghĩa vụ của bạn.

- Thương lượng về việc giữ bí mật kinh doanh và một số khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu kinh doanh khác.

- Xây dựng thương hiệu riêng cho mình.

Yếu tố pháp lý đóng vai trò quan trọng trong hợp đồng mua bán nhượng quyền của bạn. Và bởi vậy, việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý là rất cần thiết. Thử ghé thăm trang web chuyên về luật nhượng quyền ABA Forum on  Franchising để biết thêm thông tin. Tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Anh…, luật pháp quy định rất rõ về các thủ tục kinh doanh nhượng quyền.

Tại Việt Nam, bạn cần phải biêt bên nhượng quyền đã thực hiện đăng ký nhượng quyền tại cơ quan có thẩm quyền chưa theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.

Tại Mỹ, luật nhượng quyền quy định rất rõ về hợp đồng nhượng quyền và đòi hỏi công ty nhượng quyền phải thông báo đầy đủ, chính xác về mức doanh thu, lịch sử hình thành và phát triển của công ty, các vụ kiện tụng tranh chấp , thông tin liên lạc với các đơn vị đại lý hiện tại, …Tuy nhiên, luật lệ này không bao gồm tất cả những gì phát sinh sau khi hợp đồng đã được kí, ví dụ như việc hàng hoá không được chuẩn bị sẵn sàng, mặt bằng của một đơn vị khác nằm trong khu vực chọn lựa của bạn…

Một số tổ chức và hiệp hội khác lại đưa ra những điều khoản chung cho việc quản lý kinh doanh sau khi hợp đồng được kí kết. Hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh khách sạn của Mỹ tại Châu Á là một ví dụ điển hình. Họ đã xây dựng điều lệ " 12 điều kinh doanh nhượng quyền công bằng" để quy rõ trách nhiệm. Trong hợp đồng sẽ ghi cụ thể ai là người duy trì hình ảnh thương hiệu, đưa ra hình ảnh mới, bên nào sẽ đứng ra giải quyết các mâu thuẫn phát sinh…

Khi hợp đồng hết thời hạn hiệu lực

Nên lưu ý rằng, trong Hợp đồng nhượng quyền luôn có các quy định, ràng buộc khi hợp đồng kết thúc. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thường yêu cầu đưa điều khoản "được tiếp tục kinh doanh" hay "tái ký hợp đồng". Chỉ có một số ít doanh nghiệp không muốn đưa điều khỏan này vào hợp đồng. Ở Mỹ, có tới 16 bang có luật riêng quy định về các quan hệ nhượng quyền hiện hành mà theo đó, nếu một tổ chức nào muốn bỏ điều khoản tái ký hợp đồng , họ đã vi phạm luật của bang nơi họ kinh doanh, sinh sống. Mục đích của luật lệ trong 16 bang tại Mỹ đang được điều chỉnh về điều khoản tái ký và kết thúc hợp đồng nhượng quyền. Ngược lại, cũng có một số bang ở Mỹ ( như California và Wisconsin ) cho phép từ chối tái kí hợp đồng vì lý do kinh tế, ví dụ như muốn bành trướng công ty nên không thể tiếp tục kinh doanh nhượng quyền được chẳng hạn.

Nên lưu ý rằng, trong Hợp đồng nhượng quyền luôn có các quy định, ràng buộc khi hợp đồng kết thúc. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thường yêu cầu đưa điều khoản "được tiếp tục kinh doanh" hay "tái ký hợp đồng". Chỉ có một số ít doanh nghiệp không muốn đưa điều khỏan này vào hợp đồng. Ở Mỹ, có tới 16 bang có luật riêng quy định về các quan hệ nhượng quyền hiện hành mà theo đó, nếu một tổ chức nào muốn bỏ điều khoản tái ký hợp đồng , họ đã vi phạm luật của bang nơi họ kinh doanh, sinh sống. Mục đích của luật lệ trong 16 bang tại Mỹ đang được điều chỉnh về điều khoản tái ký và kết thúc hợp đồng nhượng quyền. Ngược lại, cũng có một số bang ở Mỹ ( như California và Wisconsin ) cho phép từ chối tái kí hợp đồng vì lý do kinh tế, ví dụ như muốn bành trướng công ty nên không thể tiếp tục kinh doanh nhượng quyền được chẳng hạn.

Điều kiện về chống tái ký là một trong những phần quan trọng tạo nên khung sườn của hợp đồng nhượng quyền.

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Câu chuyện nhượng quyền thương hiệu

Bộ Tài chính đã có dự thảo thông tư về định giá thương hiệu đồng ý về nguyên tắc để DN dùng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu đầu tư góp vốn, chính sách mới này hứa hẹn sẽ là sự ra đời của nhiều mô hình doanh nghiệp mới.

Doanh nghiệp Việt Nam có những thương hiệu lớn, Cà phê Trung Nguyên, Vinamilk, Viettel, Mobifone,... đều là những thương hiệu được định giá cao trong nước và trên thế giới. Điều quan trọng là cần cho họ một điểm tựa về cơ chế chính sách và kinh doanh theo nhiều hình thức mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Theo các nhà kinh tế học, thương hiệu của doanh nghiệp là một trong những tài sản có giá trị quan trọng bậc nhất. Một doanh nghiệp thành đạt là doanh nghiệp có quá trình hình thành và xây dựng thành công thương hiệu uy tín có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Thương hiệu ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng, của nhân viên, nhà đầu tư và cả các cơ quan công quyền. Trong một thế giới có nhiều lựa chọn, sự ảnh hưởng này là tối quan trọng cho thành công thương mại và tạo ra giá trị cho cổ đông.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng công nhận và cho phép thương hiệu là một loại tài sản có thể đem ra góp vốn kinh doanh, quy đổi thành ngoại tệ để giao dịch. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vấn đề trên hiện chưa được quan tâm đúng mức, bởi thông thường các doanh nghiệp Việt Nam chưa định giá đúng và chính xác loại tài sản vô hình này, cũng như chưa có hệ thống sổ sách, giấy tờ minh bạch rõ ràng.

Ở khía cạnh văn bản luật, dự thảo thông tư trên của Bộ Tài chính nêu rõ các tập đoàn, tổng công ty, DN, tổ chức có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được nhận, góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu. Các bên góp vốn tự thỏa thuận với nhau về các điều khoản, độc quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền kinh doanh dịch vụ, hàng hóa tương ứng để sử dụng nhãn hiệu. Thời hạn góp vốn không vượt quá thời hạn bảo hộ mà pháp luật quy định đối với nhãn hiệu đó. Trong thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu, đơn vị có nhãn hiệu sẽ không được phép chuyển nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, ở trong điều kiện thực tế, có nhiều điểm chính sách còn chưa theo kịp thực tiễn, theo ông Phạm Duy Khương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thương hiệu mặc dù là tài sản vô hình được tạo từ nội bộ doanh nghiệp nhưng thực tế ở nhiều nơi nhiều chỗ còn chưa được ghi nhận là tài sản vì nhiều lý do như thương hiệu không phải là nguồn lực có thể xác định được, không đánh giá được mức độ đáng tin cậy và doanh nghiệp không kiểm soát được.

Ngoài ra, trước đây Văn phòng Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm thực hiện việc góp vốn bằng thương hiệu nhưng về sau lại không thấy văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề trên. Các chuyên gia về định giá thương hiệu thì cho rằng, Nhà nước nên quy định tiêu chuẩn, điều kiện, giới hạn nhất định của việc góp vốn bằng thương hiệu thông qua các văn bản pháp luật chỉ đạo thống nhất ở nhiều bộ ban ngành khác nhau. Vì trước khi dự thảo thông tư trên được thông qua, đã có một thời gian dài cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo và kiến nghị đề xuất với Bộ Tài chính thông qua cách đầu tư kinh doanh mới này nhưng chưa được chấp thuận. Lần thông qua này, nếu muốn chính sách trên đi vào cuộc sống cần có sự phối hợp của nhiều ngành chức năng liên quan như: công thương, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, ...

Ngoài ra, việc ban hành thông tư cũng cần có những điều khoản chi tiết cụ thể, tránh tình trạng sơ sài, sửa chữa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều DN góp ý phải đưa vào thêm các quy định như cam kết về tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng nhãn hiệu, logo, hình ảnh, kích thước, mẫu biểu trưng, biểu tượng của từng thương hiệu, hay giám sát chặt chẽ việc góp vốn và nhận góp vốn đối với các thương hiệu thuộc sở hữu nhà nước… Nhiều doanh nghiệp cũng có ý kiến cho rằng nếu quy định chung chung rất dễ dẫn đến tình trạng nhập nhèm. Điển hình như tình trạng của tập đoàn Vinashin hiện đang góp vốn bằng thương hiệu ở rất nhiều nơi nhưng không ghi trên giấy tờ mà chỉ thoả thuận miệng. Một kênh đầu tư khác đang nóng hiện nay là chứng khoán cũng chứng kiến nhiều cảnh thương hiệu ảo như trên, nghĩa là có rất nhiều công ty con lấy thương hiệu của công ty mẹ đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết nhưng thực chất các thông tin doanh nghiệp rất khó được kiểm soát, bởi các công ty con luôn núp bóng dưới công ty mẹ, điều này khiến nhiều nhà đầu tư khó khăn khi tham gia giao dịch.

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Nhận Dạng Mối Quan Hệ Nhượng Quyền

Nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại cũng mới được đưa vào nội dung của Luật Thương mại sửa đổi.

Trong thời gian sắp tới, các quy định này sẽ là cơ sở pháp lý chính thức tạo lập nên một sân chơi chung cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia vào hoạt động nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại khởi nguồn từ Mỹ và các nước phát triển cách đây 150 năm. Với những ưu điểm nổi trội, hình thức kinh doanh này đã phát triển một cách hết sức nhanh chóng. Tính đến nay, trên thế giới đã có tới hơn ngàn hệ thống nhượng quyền với hành triệu cơ sở kinh doanh đang hoạt động. Chỉ riêng ở Mỹ, hoạt động nhượng quyền đã chiếm tới 40% tổng mức bán lẻ, thu hút được hơn hàng triệu lao động và bình quân cứ 12 phút lại có 1 franchising mới ra đời. Tuy vậy, dù nói thế nào thì nhượng quyền thương mại vẫn còn là một hình thức kinh doanh hết sức mới mẻ ở Việt Nam.

Hơn thế nữa, duy trì một mối quan hệ tích cực và phát triển giữa doanh nghiệp được nhượng quyền và nhà nhượng quyền là yếu tố quyết định đến sự thành công của việc nhượng quyền thương hiệu.

Giai đoạn đầu tiên của quá trình này là chìa khóa then chốt cho cả hai bên trong việc xây dựng mối quan hệ nhượng quyền. Điều này liên quan đến việc xin được giấy phép từ nhà nhượng quyền thương hiệu, điều cho phép doanh nghiệp được nhượng quyền, kinh doanh dưới nhãn hiệu hoặc tên tuổi thương mại của họ. Những doanh nghiệp được nhượng quyền cũng được huấn luyện lúc ban đầu và được hỗ trợ trong suốt giai đoạn khởi đầu công việc kinh doanh.

Sức hút chủ yếu của một hệ thống nhượng quyền đối với nhà đầu tư đó là một mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng, thông qua nhiều năm hoạt động trên thị trường.

Bất cứ ai sắp tham gia vào một hệ thống nhượng quyền nên hiểu rằng hệ thống hoạt động của nhà nhượng quyền đã được chứng minh trước đó và đã đạt được thành công là rất quan trọng, khả năng thành công sẽ được tối đa hóa khi hệ thống đó được tuân thủ.

Những doanh nghiệp được nhượng quyền sẽ có xu hướng kinh doanh trái ngược với những nhà kinh. Những doanh nghiệp được nhượng quyền chuyển năng lượng của họ vào kế hoạch chứ không phải tái phát minh ra một cái mới."

Từ viễn cảnh của những nhà nhượng quyền thương hiệu, sự thiết lập, xây dựng các biện pháp kiểm soát, điều khiển hệ thống là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của dịch vụ hoặc sản phẩm mà họ đưa ra trên toàn mạng lưới của mình. Điều này cho phép họ bảo vệ thương hiệu và theo đó, làm lợi cho những doanh nghiệp được nhượng quyền trong mạng lưới đó.

Bản chất của mối quan hệ nhượng quyền chính là những yếu tố nhận dạng "thế nào là nhượng quyền thương mại"

Công việc đào tạo nhượng quyền thương hiệu đi xa hơn ý nghĩa của việc "làm kinh doanh như thế nào" bao quát sự cải tiến của quá trình đào tạo phát triển để có thể được nhìn nhận như việc "làm thế nào để kinh doanh tốt hơn."

Nhượng quyền thương hiệu thì sự hỗ trợ là yếu tố chính trong quyết định của ông khi đầu tư vào một doanh nghiệp nhượng quyền.

Sau khi xem xét nhiều sự lựa chọn, một điều rõ ràng là trở thành một doanh nghiệp được nhượng quyền thương hiệu là một quyết định đúng đắn. Bởi vì tất cả những hệ thống hỗ trợ đã theo tôn ti trật tự, người sở hữu những doanh nghiệp này nên thực hiện hết sức mình.

Sự nhận thức rõ bản chất mối quan hệ giữa nhà nhượng quyền thương hiệu và doanh nghiệp được nhượng quyền là điều rất quan trọng đối với cả hai bên để họ tập trung vào xây dựng mối quan hệ này, và tập trung vào công việc của mình hơn là đi tìm hiểu nhượng quyền là gì.

Một điều quan trọng cũng nên nhớ đó là đối với một vài cá nhân, nhượng quyền thương hiệu có thể không phải là một cách thích hợp cho việc kinh doanh.

Bằng cách khám phá chiều sâu bản chất thực sự của mối quan hệ nhượng quyền thương hiệu, những người nghĩ đúng về nhượng quyền thương hiệu sẽ có thể nhận ra lợi ích trọn vẹn mà hệ thống đó mang lại.

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

M&A - Giải pháp cùng phát triển

Cụm từ Mergers and Acquisition (M&A) - mua bán và sáp nhập xem ra vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chọn hình thức này.

Cụm từ Mergers and Acquisition (M&A) - mua bán và sáp nhập xem ra vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chọn hình thức này.

Theo thạc sĩ Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và hỗ trợ chiến lược WIN–WIN, M&A chia làm 3 loại: Loại thứ nhất là mua đứt, bán đoạn. Có nghĩa là sau khi ký hợp đồng lợi ích bên này không liên quan gì đến bên kia, công ty này có thể sở hữu toàn bộ công ty kia (như trường hợp Kinh Đô mua đứt thương hiệu cũng như nhà máy và dây chuyền sản xuất của kem Wall's). Hoặc trường hợp công ty này có thể mua một thương hiệu của công ty kia như việc Unilever mua lại thương hiệu kem đánh răng P/S của Công ty Phương Đông.

Loại thứ 2, bên A sẽ sở hữu một lượng cổ phần đáng kể của bên B để trở thành cổ đông chiến lược của bên B. Theo đó bên mua không chỉ sở hữu về tài chính mà còn hỗ trợ nhất định về việc phát triển của bên bán như trường hợp Công ty cổ phần Đồng Tâm mua 60% cổ phần của sứ Thiên Thanh.

Loại thứ 3, trao đổi với nhau về cổ phiếu để đôi bên cùng có lợi, đây là một sự trao đổi mang tính hợp lực, hợp sức (theo kiểu 1+1>2). Đây là hướng đi chuyên nghiệp trong việc hoạch định chiến lược của từng công ty mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được thông qua việc Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc (NKC) và Công ty cổ phần KIDO cùng sáp nhập vào KDC (Công ty cổ phần Kinh Đô).

Hoạt động M&A sôi động nhất hiện nay là trong lĩnh vực ngân hàng. Vì theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, đến cuối năm 2010, các tổ chức tín dụng phải có vốn điều lệ đạt mức 3.000 tỷ đồng. Theo đó, đến cuối tháng 6-2010, tất cả các tổ chức tín dụng phải trình Ngân hàng Nhà nước hồ sơ đề nghị tăng vốn, nếu không sẽ không được mở rộng mạng lưới, công ty, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch…

Trước sức ép đó, nhiều ngân hàng nhỏ hiện nay đang tìm mọi cách như phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, kêu gọi đầu tư thậm chí M&A để đạt được số vốn tối thiểu theo quy định mới.

Tuy nhiên, không phải dễ khi chọn giải pháp M&A trong thời điểm này, vì hiện nay kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều gặp nhiều khó khăn. Sau khủng hoảng, nợ công ở các quốc gia vẫn còn nhiều, việc bán cổ phần hoặc tìm các đối tác là các tổ chức nước ngoài không dễ dàng. Tuy nhiên không phải vì thế mà M&A kém phần sôi động.

Từ năm 2009 đến nay vẫn có nhiều thương vụ sáp nhập và mua bán thành công diễn ra giữa các DN và ngân hàng cũng như giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước như Petro Vietnam & Oceanbank, Tín Nghĩa và Đại Á, BNP Paribas và Phương Đông, Maybank và An Bình.

Trong đó, Maybank (ngân hàng hàng đầu của Malaysia) đã ký hợp đồng mua 15% cổ phần của Ngân hàng An Bình (Việt Nam) với giá 2.200 tỷ đồng (tương tương 50.000 đồng/cổ phiếu). Trong hợp đồng M&A này, theo nhận định của các chuyên gia, Maybank và An Bình đều có lợi để cùng tồn tại và phát triển.

Sau cuộc sáp nhập với Petro Vietnam, từ một ngân hàng nhỏ, hiện Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đang có tiềm lực mạnh khi cổ đông chiến lược là Petro Vietnam. để tồn tại và phát triển, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng chọn phương án M&A bằng cách bán 10% cổ phần cho Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) giá khoảng 120 tỷ đồng, với mong muốn sẽ nâng cao khả năng tài chính, đồng thời tạo cơ hội để cung cấp và bán chéo các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng; tiếp nhận và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực từ BNP Paribas.

Được và mất từ M&A

Mua bán sáp nhập là giải pháp tất yếu của các ngân hàng nhỏ không hội đủ vốn pháp định.

M&A giữa các DN là sự lựa chọn tất yếu để cả bên mua và bên bán tồn tại và phát triển, nhất là trong thời điểm hậu khủng hoảng. Theo các chuyên gia tài chính, mục tiêu và bản chất của M&A là "Một cộng một bằng 3", điều mà các nhà kinh tế thường gọi là tính cộng hưởng.

Có thể thấy, sau khi sáp nhập bộ máy quản lý sẽ tinh gọn, giảm chi phí và tăng vị thế trên thương trường. Nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều thương vụ sáp nhập, giá cổ phiếu và uy tín của cả 2 bên đều tăng lên một cách rõ rệt.

Không những thế, trong nhiều trường hợp, quy mô về vốn và năng lực sản xuất kinh doanh của DN cũng mạnh lên. Về năng lực cạnh tranh, sau khi sáp nhập cả bên bán và bên mua cũng cao hơn, thị phần lớn hơn và vận hành có hiệu quả hơn (như trường hợp giữa Kinh Đô và Nutifood).

Tuy nhiên trong một số hình thức M&A, hình thức bên mua muốn "nuốt" trọn thương hiệu cũng như hoạt động của bên bán thì thiệt hại thường nghiêng về bên bán.

Trong trường hợp này, thường bên mua muốn loại bỏ một đối thủ khỏi sân chơi như trường hợp Unilever mua lại thương hiệu kem đánh răng P/S của Công ty Phương Đông, với giá 5 triệu USD cho một thương hiệu cách đây hơn 10 năm, xem ra Phương Đông đã quá lời. Nhưng qua thời gian, không chỉ người đại diện của Phương Đông, ngay cả nhiều người tiêu dùng Việt Nam cũng tỏ ra tiếc nuối thương hiệu P/S.

Ở Việt Nam , hoạt động M&A có thể nói còn khá mới mẻ dù mỗi năm vẫn có hàng chục vụ và theo dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ còn có nhiều vụ sáp nhập mới nữa. Tuy nhiên để hoạt động này góp phần tạo ra một kênh thu hút FDI, đồng thời giúp các DN tái cấu trúc bộ máy, tập trung tích tụ công nghệ và vốn nhanh rất cần tăng cường các giải pháp quản lý của nhà nước.

Kinh doanh nhượng quyền sẽ tăng 35%

Doanh thu của ngành kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới và dự báo sẽ đạt hơn 36 triệu đô la Mỹ (khoảng 642 tỉ đồng) vào năm 2010.

Doanh thu của ngành kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới và dự báo sẽ đạt hơn 36 triệu đô la Mỹ (khoảng 642 tỉ đồng) vào năm 2010.

Thông tin trên do Hiệp hội kinh doanh nhượng quyền Việt Nam và Trung tâm kinh doanh Hàn Quốc đưa ra tại ngày khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp cửa hàng và Triển lãm quốc tế nhượng quyền kinh doanh (VISIS và VIFS) tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC) hôm 10-9.

Hai tổ chức trên cho biết, năm 1996 doanh thu của kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam chỉ tăng 15%, đạt 1,5 triệu đô la Mỹ; 5 năm sau đã tăng 21% đạt hơn 3 triệu đô la Mỹ, và đến năm 2005 đã tăng 26%, đạt 9 triệu đô la Mỹ.

Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của ngành kinh doanh nhượng quyền sẽ tiếp tục được duy trì và đạt doanh thu dự kiến là 36,68 triệu đô la Mỹ, với mức tăng trưởng 35% vào năm tới.

Ông Byung Gwan Bae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty tổ chức hội nghị triển lãm Coex (Hàn Quốc) – phối hợp cùng với Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad tổ chức hai triển lãm trên, cho rằng người tiêu dùng trẻ và năng động là một trong các yếu tố thúc đẩy ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại tại Việt Nam tăng mạnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền là ông Lý Quí Trung, Tổng giám đốc Công ty Phở 24, giải thích với Thời báo Kinh tế Sài Gon Online rằng ngành kinh doanh này còn mới mẻ tại Việt Nam nên có thể dễ dàng đạt tốc độ tăng trưởng từ 25-30%/năm trong các năm sắp tới.

Theo thông tin của ban tổ chức, tính đến tháng 6-2008, Việt Nam có khoảng 890 cửa hàng hoạt động theo hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại, trong khi con số của năm 2007 chỉ là 700. Dự kiến, số lượng cửa hàng nhượng quyền năm 2010 sẽ tăng 50% so với năm 2008.

Lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á, hai triển lãm VISIS và VIFS thu hút hơn 130 doanh nghiệp đến từ các nước Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam tham gia trưng bày các sản phẩm và dịch vụ liên quan tại 250 gian hàng. Ban tổ chức hy vọng hai triển lãm sẽ thu hút khoảng 20.000 khách tham quan, trong đó có hơn 2.000 khách đăng ký trực tuyến từ các nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Anh và Mỹ.

Theo chương trình, bên cạnh  triển lãm còn có các buổi hội thảo với chủ đề "Tác động của việc quản trị thông tin khách hàng lên chiến lược tiếp thị", "Bí quyết thành công tại thị trường Việt Nam" và "Thông tin cần biết cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam" sẽ diễn ra vào ngày 11-9.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Đánh giá sản phẩm nhượng quyền

Ngoài thị trường, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và lập nghiệp ngày càng gian truân, nên có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít hiểm họa.

Kỹ năng cần thiết nhất khi mua nhượng quyền là biết cách đánh giá mức độ thành công của sản phẩm và cần tránh xa những sản phẩm nhượng quyền nào.

Thành công cũng có bí quyết, mà thất bại cũng để lại kinh nghiệm. Nắm rõ lý thuyết cơ bản để thực hành trôi chảy và đỡ tốn thời gian. Bài viết này liệt kê 5 cách đơn giản để kiểm tra độ nguy hiểm của một sản phẩm nhượng quyền.

1. Đếm số lượng sản phẩm. Đây là cách đơn giản nhất. Tìm xem sản phẩm nhượng quyền bạn sắp mua có mặt trên thị trường đang diễn biến thế nào? Đang đứng yên, tiến triển, tăng hay giảm? Nếu số lượng sản phẩm nhượng quyền giảm, dù bất cứ lý do nào, thì cũng là đèn đỏ cảnh báo nguy hiểm đừng nên "rớ" vào. Đừng dại đi mua về thứ người khác đang thải ra.

2. Kinh nghiệm kiện tụng, tranh chấp. Kiểm tra xem trong vài năm trở lại đây, có kiện tụng gì giữa bên bán và bên mua sản phẩm nhượng quyền. Kiện tụng thường xảy ra khi bên mua không thành công như mong đợi nên trút giận lên bên bán. Nếu có những vụ kiện lớn, hoặc nhiều vụ kiện liên tục, thì dù bất cứ lý do nào, đừng đụng đến sản phẩm nhượng quyền này.

3. Tình trạng tài chính của bên bán sản phẩm nhượng quyền. Công ty bán nhượng quyền có nghĩa vụ công khai những số liệu tài chính của mình trong ba năm gần nhất. Có hai điều bạn cần lưu ý khi xem báo cáo tài chính đó.

Một, tình trạng tài chính có ổn định và đủ để sống sót cho chặn đua dài trước mắt? Tìm chỉ số cho thấy doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt, có lãi, lưu thông tiền tích cực, vốn dự trữ mạnh.

Hai, kiểm tra khoản thu của doanh nghiệp bán nhượng quyền vì hầu hết khoản thu của họ đến từ các doanh nghiệp mua nhượng quyền. Bảo đảm né xa trường hợp bên mua chật vật nên khó thanh toán cho bên bán.

4. Tình hình bán hàng của các tiệm mua nhượng quyền. Trong hệ thống nhượng quyền thì cả bên bán và bên mua đều tìm cách để tăng sức tiêu thụ của khách hàng, tăng đầu ra.

Nếu cả hai phía đều nỗ lực rồi mà đầu ra không tăng nhiều, thì có thể suy ra là doanh nghiệp phản ứng kém trước những biến động thị trường, hoặc chiến lược kinh doanh chưa đủ chuẩn. Chỉ với tiêu chí này mà loại doanh nghiệp nào đó ra khỏi danh sách đối tác mua sản phẩm nhượng quyền thì quá thẳng tay. Vậy nên, hãy tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch.

5. Gọi điện đến những tiệm mua nhượng quyền. Cách tốt nhất để điều tra hoạt động nhượng quyền là gọi điện đột xuất hoặc ghé thăm những đơn vị mua sản phẩm nhượng quyền.

Bạn có thể hỏi thẳng người mua nhượng quyền cảm nhận về doanh nghiệp, tình hình kinh doanh vài năm trở lại đây. Nếu cho trở lại quyết định lần nữa thì họ có mua sản phẩm nhượng quyền này không?

Hãy tin vào trực giác và thông tin mình thu thập được.