Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Nhượng quyền thương hiệu: Người trong muốn ra, kẻ ngoài muốn vào

Chỉ mục bài viết

Nhượng quyền thương hiệu: Người trong muốn ra, kẻ ngoài muốn vào

Trang 2

Trang 3

Tất cả các trang

1 of 3

nhuong-quyen-pho24_copyTrong khi các chuỗi nhượng quyền trong lĩnh vực ẩm thực Việt Nam đang nỗ lực đi ra nước ngoài thì các thương hiệu lớn trên thế giới làm điều ngược lại. Tuy nhiên, kế hoạch bành trướng của cả "người trong" lẫn "kẻ ngoài" đều đang vấp phải những trở ngại lớn.

Lỡ hẹn gần một năm, cuối cùng, Subway, thương hiệu thức ăn nhanh lớn thứ 2 thế giới sau McDonald's (Mỹ), đã chính thức vào Việt Nam (2/2011), hợp tác với hãng nước giải khát Mỹ PepsiCo mở nhà hàng đầu tiên tại "khu phố Tây" trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM). Theo đó, Subway cung cấp các sản phẩm bánh mì kẹp thịt, còn PepsiCo thì lo về thức uống. Mục tiêu của Subway là mở 50 nhà hàng tại Việt Nam đến năm 2015, có thể dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu.

KFC (Mỹ) cũng dự kiến tăng khoảng 100 nhà hàng trong năm 2011 từ 90 nhà hàng hiện có. Lotteria (Hàn Quốc) thì lên kế hoạch đạt 100 nhà hàng từ con số 65 hiện tại. Dù phần lớn nhà hàng hiện có của KFC và Lotteria là tự đầu tư, nhưng với kế hoạch mở rộng, các thương hiệu này cho biết sẽ bắt đầu thực hiện nhượng quyền.

Ngược lại, Wrap & Roll, chuỗi nhà hàng cuốn Việt Nam với xấp xỉ 10 nhà hàng (không theo hình thức nhượng quyền), đang tìm kiếm đối tác tại Úc để tiến hành nhượng quyền thương hiệu ở Quốc Gia này. Ông chủ của chuỗi nhà hàng Phở 24 cho biết, thương hiệu này sẽ tái xuất hiện ở Anh sau khi phải đóng cửa do khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ông cũng cho biết, 3 năm tới, số nhà hàng Phở 24 ở nước ngoài sẽ cao hơn so với trong nước (Phở 24 hiện có khoảng 20 nhà hàng tại nước ngoài).

Trung Nguyên cũng không giấu tham vọng tiến quân vào những thị trường khác, bên cạnh Singapore trong một vài năm tới. Đây là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam sau khi mở 3 quán cà phê nhượng quyền tại Singapore.

Nội: Đau đầu với quản trị chất lượng

Hiện trạng "người trong muốn ra, kẻ ngoài muốn vào" đã rõ nét hơn sau hơn 10 năm mô hình nhượng quyền thương hiệu định hình tại Việt Nam, bắt đầu với chuỗi cà phê Trung Nguyên. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những yếu tố thành công của mô hình này thì hiện nay, cả "người trong" lẫn "kẻ ngoài" đều đang đối mặt với những thách thức lớn.

Dù đã có thời gian dài phát triển, nhưng các thương hiệu nội địa vẫn chưa đạt đến tính chuyên nghiệp của mô hình nhượng quyền. Vì thế, câu chuyện nhượng quyền ra nước ngoài rất khó khăn.

Lấy ví dụ về McDonald's. Chuỗi thức ăn nhanh này bắt đầu thực hiện nhượng quyền từ năm 1955, hiện có hơn 31.000 nhà hàng trên khắp thế giới. Giả sử, bạn chỉ có trong tay 500.000 USD trong khi McDonald's bán nhượng quyền 1 triệu USD. Nhờ tính hấp dẫn của thương hiệu này, bạn vẫn dễ dàng vay ngân hàng số tiền còn lại. Đặc biệt, McDonald's cam kết bạn có thể hoàn vốn 1 triệu USD chỉ sau 1 năm kinh doanh nhượng quyền thương hiệu của họ. Tuy nhiên, để mua nhượng quyền của McDonald's không dễ vì họ rất khắt khe trong vấn đề quản lý các cửa hàng nhượng quyền.

Trong khi đó, nếu mua nhượng quyền của Phở 24, liệu bạn có dễ dàng vay ngân hàng số tiền còn lại hay không? Hơn nữa, dường như chẳng có cam kết nào từ bên nhượng quyền rằng sau một vài năm, việc kinh doanh của bạn có thể đạt được điểm hòa vốn hoặc có lãi. Đó là chưa kể đến nội lực của thương hiệu Việt Nam tại nước ngoài. Chỉ cần bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế (trên thực tế, tác động không quá lớn đối với lĩnh vực ăn uống) thì chủ tiệm Phở 24 ở Singapore đã phải đóng cửa. Một chủ tiệm khác ở Anh cũng ngừng hẳn việc kinh doanh vì không huy động được vốn để tiếp tục duy trì hoạt động.

Có thể thấy, mô hình nhượng quyền thương hiệu thành công chính là sự phối hợp giữa 3 chiếc "kiềng": nhà nhượng quyền (franchiser) - ngân hàng - người nhận nhượng quyền (franchisee). Mặc dù sự so sánh giữa McDonald's và Phở 24 có đôi chút khập khiễng, nhưng qua đó cũng thấy được thách thức đặt ra cho các nhà nhượng quyền ở Việt Nam khi muốn vươn ra thế giới: Có doanh nghiệp nào dám cam kết với các franchisee là thương hiệu và năng lực của mình đủ mạnh để có thể giúp họ hòa vốn hoặc có lãi vào một thời điểm nào đó trong tương lai?

Mọi rủi ro đã phát sinh từ đây. Một chuỗi cà phê nhượng quyền có tiếng của Việt Nam một thời làm mưa làm gió với xấp xỉ 400 cửa hiệu ở thị trường nội địa nhưng lại gặp phải khó khăn tại Campuchia.

Cách đây vài năm, một đối tác Campuchia đã mua nhượng quyền thương hiệu của chuỗi cà phê này. Hơn 12 tháng sau, đối tác đó đã lập riêng chuỗi cà phê của chính họ mang tên T&C với 4 cửa hiệu đặt tại Phnom Penh, được bài trí và vận hành tương tự như thương hiệu Việt Nam mà họ đang được nhượng quyền. Sau đó, T&C triển khai nhượng quyền theo cách mà họ đã học được từ đối tác Việt Nam, nhưng lại sẵn sàng cam kết về khả năng hòa vốn cũng như hiệu quả của dự án. Hãy nghĩ xem, nếu là franchisee tại Campuchia, bạn sẽ ưu tiên mua nhượng quyền của T&C hay của doanh nghiệp Việt Nam nói trên?

Prev - Next >>

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Thanh toán M&A tiền mặt hay cổ phiếu?

Việc lựa chọn hình thức thanh toán bị ảnh hưởng bởi kết quả phân tích định giá công ty mục tiêu và khả năng tạo ra giá trị kỳ vọng cho cổ đông của công ty hợp nhất.

thanh-toan-MA

Lựa chọn phương thức thanh toán rất quan trọng trong các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A). Trong đó, các hình thức thanh toán phổ biến là bằng tiền mặt, hoán đổi cổ phiếu hoặc kết hợp cả 2. Vậy hình thức nào sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông?

Hoán đổi cổ phiếu sẽ phát triển

Thanh toán bằng tiền mặt là hình thức chủ yếu trong các giao dịch M&A tại Việt Nam trong những năm qua. Bởi lẽ, bên thâu tóm đa phần là các quỹ đầu tư tài chính mua một phần công ty mục tiêu, hoặc các công ty trong nước và nước ngoài có sẵn hoặc có khả năng huy động nguồn tiền mặt để mua một phần hoặc mua toàn bộ công ty mục tiêu. Trong khi đó, bên bán muốn tìm đối tác chiến lược hoặc thoái vốn thông qua bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp dưới hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Hình thức trên giúp giao dịch M&A có thể nhanh chóng được hoàn tất, đặc biệt là giao dịch có cấu trúc đơn giản.

Tại các Quốc Gia phát triển, hoán đổi cổ phiếu, hoặc kết hợp giữa tiền mặt và cổ phiếu là phương thức giao dịch được ưa chuộng. Hình thức hoán đổi cổ phiếu được áp dụng trong các giao dịch M&A mà các bên muốn được chia sẻ lợi ích và rủi ro của việc hợp nhất, hoặc trong trường hợp 2 doanh nghiệp hợp nhất có quy mô tương đương.

Tại Việt Nam, giao dịch M&A thông qua hoán đổi cổ phiếu chỉ mới xuất hiện trong hơn 1 năm trở lại đây. Chẳng hạn, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 phát hành một số cổ phiếu để đổi 100% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty Xi măng Hà Tiên 2 theo tỉ lệ 1:1. Hay Công ty Cổ phần Mirae Fiber (KMF) sáp nhập vào Công ty Cổ phần Mirae (KMR) theo hình thức KMR mua lại 100% vốn của KMF thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu với tỉ lệ chuyển đổi 1:1,35. Tuy nhiên, có thể thấy, các công ty trong 2 giao dịch trên đều là "người cùng một nhà" (có cùng cổ đông chi phối), nên việc chuyển đổi cổ phiếu cũng dễ dàng. Nếu không có yếu tố thuận lợi này, giao dịch M&A tại Việt Nam vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.

Về mặt kỹ thuật, việc phát hành thêm cổ phiếu để chuyển đổi cũng như thực hiện các quy định pháp lý tại Việt Nam không phải là khó. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hoán đổi cổ phiếu lại không dễ dàng vì nhiều lý do.

Thứ nhất là việc xác định tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu dựa trên giá trị doanh nghiệp của mỗi bên trong giao dịch. Không dễ để chấp nhận giá của một doanh nghiệp khác và không đơn giản để thuyết phục đối tác về giá của doanh nghiệp mình đưa ra. Thứ 2 là sự khác biệt về chiến lược, quan điểm kinh doanh và văn hóa khi cả 2 bên cùng trở thành cổ đông của công ty hợp nhất. Khó khăn thứ 3 xuất phát từ hạn chế trong văn hóa hợp tác cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro khi hoán đổi cổ phiếu.

Chính khả năng thấp trong việc tháo gỡ các khó khăn khi hoán đổi cổ phiếu đã làm hạn chế số lượng giao dịch M&A thành công tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi nguồn vốn không cho phép thực hiện các giao dịch M&A bằng tiền mặt và đứng trước sức ép cạnh tranh trong và ngoài nước cùng với quá trình hợp nhất và phá sản trong một số ngành, hình thức hoán đổi cổ phiếu sẽ là lựa chọn khả thi tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ rủi ro và lợi ích trong M&A

Tiến hành M&A là một quyết định rủi ro, đặc biệt đối với bên thâu tóm. Khi thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, trong trường hợp mua toàn bộ công ty, bên bị thâu tóm không còn là cổ đông của công ty hợp nhất; còn bên thâu tóm sẽ hưởng toàn bộ lợi ích cũng như rủi ro trong quá trình hợp nhất.

Trong khi đó, với hình thức hoán đổi cổ phiếu, cổ đông của bên bị thâu tóm trở thành cổ đông của công ty hợp nhất. Như vậy, mọi lợi ích cũng như rủi ro sẽ được chia sẻ giữa cổ đông của 2 công ty.

Việc lựa chọn hình thức thanh toán bị ảnh hưởng bởi kết quả phân tích về việc định giá công ty mục tiêu và khả năng tạo ra giá trị kỳ vọng cho cổ đông của công ty hợp nhất.

Trong trường hợp công ty mục tiêu được xem là đang được định giá cao hơn so với mức giá hợp lý hoặc bên thâu tóm nghi ngờ về khả năng thành công của công ty hợp nhất thì bên thâu tóm có xu hướng muốn thực hiện chuyển đổi cổ phiếu để chia sẻ rủi ro với bên bị thâu tóm. Trong trường hợp ngược lại, bên thâu tóm sẽ muốn thanh toán cho bên bị thâu tóm bằng tiền mặt. Hơn nữa, việc có sẵn nguồn tiền để thực hiện M&A là rất khó, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn không dễ.

Ngoài chia sẻ rủi ro, bảo đảm cấu trúc tài chính tối ưu cũng là lý do doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn hình thức thanh toán. Nếu chọn thanh toán bằng tiền mặt, liệu bên thâu tóm có thể huy động được một lượng vốn lớn cho thương vụ M&A? Sau khi huy động được nguồn vốn này, rủi ro mới cũng phát sinh. Bởi lẽ, với tỉ lệ vốn vay trên vốn sở hữu lớn hơn, liệu công ty hợp nhất còn có thể huy động vốn cho các dự án tiếp theo?

Đối với các công ty không có nguồn tiền mặt, việc vay vốn để tài trợ cho giao dịch M&A không những làm giảm khả năng huy động vốn mà còn gia tăng nguy cơ phá sản hoặc phải cấu trúc lại công ty.

- Trần Duy Hưng -

(Thanh Phương -

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Share:

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Trung Quốc tái định hướng chiến lược mua bán & sát nhập

lenovo-tauNhững thất bại lớn của các công ty Trung Quốc trong những thương vụ mua bán, sát nhập đầu thế kỷ XXI trở thành một tiền đề để họ định hướng những chiến lược hợp lý hơn.

Những thất bại nặng nề của các công ty Trung Quốc trong chiến lược mua bán, sát nhập đầu thế kỷ XXI có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân sau.

Sai lầm trong chiến lược M & A của Trung Quốc

  1. Mua công ty nước ngoài kinh doanh không sinh lợi với giá rẻ, đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc để khôi phục.
  2. Khi đánh giá mục tiêu chỉ tập trung vào các vấn đề tài chính mà bỏ qua các yếu tố vô hình liên quan đến hệ thống, con người, và giá trị nhãn hiệu...
  3. Bỏ qua các bước trọng yếu trong quá trình M&A.
  4. Thu nhận các công ty nước ngoài có giá trị chủ yếu về thương hiệu, hệ thống, con người và văn hóa, những yếu tố khó để hội nhập.
  5. Trước đó đã không nghiên cứu cách thức sử dụng trên thị trường Trung Quốc các sản phẩm và dịch vụ mua từ nước ngoài.
  6. Người điều hành không đủ năng lực giải quyết các vấn đề hội nhập nan giải.

Trung Quốc quay đầu vì sợ hãi

Đến năm 2007, chính phủ Trung Quốc thực sự lo lắng đến các vấn đề mà công ty Trung Quốc ở hoạt động ở nước ngoài đang gặp phải. Trường hợp Lenovo gặp khó khăn lớn sau khi mua lại PC của IBM trong thỏa thuận trị giá 1,75 tỷ USD vào tháng 12/2004 có lẽ là ví dụ điển hình cuối cùng. Mặc dù nhờ vụ sát nhập mà Lenovo của Trung Quốc trở thành nhà sản xuất PC lớn thứ 3 thế giới, sau HP và Dell, nhưng chỉ sau một năm, công ty này đã tụt xuống vị trí thứ 4 sau Acer của Đài Loan. Khi Lenovo vẫn đang đấu tranh với các vấn đề hội nhập thì các nhân viên kỹ thuật lũ lượt rời bỏ công ty, dịch vụ không đạt tiêu chuẩn, thị phần giảm, và lợi nhuận không ngừng tụt giảm. Lợi nhuận thuần của công ty từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2008 đã giảm xuống còn 23,4 triệu USD, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước đó.

Sau đó Trung Quốc nhận định rằng chỉ những doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân đủ năng lực quản lý và kĩ năng sát nhập mới nên tiến hành mua lại các công ty nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cũng báo hiệu rằng nếu có khả năng, các công ty trong nước nên theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận. Một ranh giới được vạch ra và không một doanh nghiệp nào được phép vượt qua nó. Khi công ty máy móc công nghiệp nặng Sichuan Tengzhong ít tiếng tăm muốn mua lại Hummer của General Motors vào tháng 6/2009, Ủy Ban Phát Triển và Cải Cách Nhà Nước Trung Quốc đã không chứng thực cuộc bán đấu giá công ty mặc dù Bộ Thương Mại Trung Quốc đã thông qua. Đây là một trong những thỏa thuận mua bán, sát nhập đầu tiên bị chính phủ công khai bác bỏ.

Tuy nhiên, đến năm 2009, với quỹ dự trữ bình ổn hối đoái của Trung Quốc vượt mức 2 ngàn tỷ USD, việc đa dạng hóa các tài sản khác ngoài trái phiếu kho bạc Mỹ thành tài sản vật chất không còn phải đối mặt với rủi ro mất giá do lạm phát gây ra. Thêm vào đó, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán cũng khiến cho giá trị của các công ty nước ngoài tăng sức hấp dẫn. Chính phủ Trung Quốc cùng với Ủy Ban Quản Lý và Giám Sát Tài Sản Nhà Nước nhận định rằng các công ty trong nước đã có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu trước khi đồng nhân dân tệ lên giá, chính sách M&A bắt đầu được xem xét lại.

Thay đổi hướng đi

Qua phân tích một số trường hợp M&A mới đây của các công ty Trung Quốc cho thấy chiến lược '3 hướng đi' mới đang giúp cho các công ty Trung Quốc tham gia M&A hoạt động hiệu quả hơn:

  1. Mua các tài sản vật chất như các mỏ dầu, hay tài nguyên thiên nhiên thay vì mua tài sản vô hình như nhãn hiệu...
  2. Tìm kiếm các công ty và tổ chức sở hữu công nghệ và thiết bị R&D toàn cầu tiên tiến.
  3. Sử dụng các công ty nước ngoài để củng cố vị thế của các công ty Trung Quốc trên thị trường trong nước.

Chuyển sang tài sản vật chất

Thay vì mua thương hiệu và quan hệ phân phối, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc mua các tài sản hữu hình như các mỏ khoáng sản, và trữ lượng dầu. Việc khảo sát, thẩm định các tài sản này cũng được thực hiện khá thẳng thắn; tài sản có thể được các kỹ sư đánh giá khách quan và không yêu cầu đánh giá các nhân tố khả biến như văn hóa công ty hay tính chất thương hiệu. Hội nhập trở nên đơn giản hơn khi các công ty nắm giữ tài sản hữu hình có thể chứng minh được chuỗi cung ứng của mình và công ty mua cũng có thể hoạt động tương đối độc lập. Bên cạnh đó, nhu cầu về sản phẩm do các công ty nước ngoài cung cấp ở Trung Quốc cũng rất lớn.

Đến năm 2009, hơn 70% các thỏa thuận kinh doanh của Trung Quốc liên quan đến năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, trong đó tập đoàn than Yanzhou Coal của Trung Quốc mua Felix Resources, Úc với giá 2,8 tỷ USD, tập đoàn dầu khí quốc doanh Sinopec thì mua Addax, Thụy Sĩ với giá 7,2 tỷ USD.

Tìm kiếm công nghệ cao

Các công ty Trung Quốc cũng nhắm vào các tổ chức có thể cung cấp công nghệ mới tiên tiến và những tổ chức nước ngoài sở hữu các thiết bị R&D. Giá trị của các tổ chức này nằm ở quyền sở hữu trí tuệ, tri thức và phương pháp thiết kế, nghiên cứu. Mặc dù rất khó để có được các tài sản trên nhưng chắc chắn sẽ ít phức tạp và rủi ro hơn so với cố gắng 'đồng hóa' toàn bộ tổ chức.

Bằng sáng chế và các bản thiết kế có thể chuyển giao cho các kỹ sư Trung Quốc, những người có đủ khả năng để hiểu chúng. Các trung tâm R&D cần nhiều động lực thúc đẩy trong khi số lượng nhân viên lại tương đối ít. Nhận thấy các công ty Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào R&D, cùng với mong muốn có thể ứng dụng và bán các cải tiến công nghệ của mình cho thị trường Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nước ngoài hầu hết đều hào hứng tham gia thỏa thuận mua bán với các công ty Trung Quốc. Thỏa thuận khá đơn giản: các kỹ sư nước ngoài tìm ý tưởng cho các sản phẩm và phương pháp mới, các công ty Trung Quốc sẽ sử dụng các ý tưởng này để đổi mới kinh doanh, giảm chi phí sản xuất.

Một trong những công ty lựa chọn con đường này là Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An (XAC), một chi nhánh của Tập Đoàn Công Nghiệp Hàng Không Trung Quốc (AVIC). Những nỗ lực đầu tiên của AVIC khi cố gắng mua các nhà sản xuất máy bay nước ngoài không mang lại kết quả. Thế nhưng vào tháng 10/2009, XAC đã đưa ra thông báo khiến các chuyên gia trong ngành bất ngờ; XAC tuyên bố đã thỏa thuận mua lại 91,25% Fischer Advanced Composite Components, Úc ( FACC). FACC là nhà cung ứng hàng đầu về các thiết bị, phụ tùng dùng cho máy bay. Tuy nhiên, FACC đã sai lầm khi đầu tư quá nhiều cho Boeing Dreamliner và Airbus A350 XWB thế hệ mới, khiến FACC lỗ nặng, dự trữ tiền mặt cạn kiệt.

Với giá mua ước tính gần 135 triệu USD, XAC đồng ý đầu tư 60 triệu USD vào FACC. Phương thức quản lý hiệu quả của FACC đảm bảo tương lai tài chính của công ty, FACC có vốn để mở rộng sản xuất và có cơ hội tiếp cận một thị trường lớn đang phát triển nhanh chóng thông qua AVIC. Đổi lại, XAC có được công nghệ vật liệu composite và đội ngũ lớn các kỹ sư mà AVIC có thể sử dụng trong các chương trình máy bay của Trung Quốc, trong đó có dự án chế tạo máy may ARJ21 và C919 để cạnh tranh với các mẫu máy bay thông dụng nhất hiện nay như Airbus A320 và Boeing 737.

Phó Chủ Tịch của XAC, Meng Xiangkai không hi vọng sẽ biến FACC thành một công ty Trung Quốc ở Châu Âu, ông muốn giữ nguyên văn hóa quản lý chính là cơ sở thành công của FACC's trong nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

- Linh Anh -

(Đặng Quân -

Theo Vef.vn)

Share:

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Muốn nhượng quyền thương mại?

Nhượng quyền thương mại (franchising) có thể giúp doanh nghiệp (DN) khắc phục được hạn chế về vốn phát triển hay khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ vận hành trực tiếp trong kế hoạch tăng trưởng. Từ đó, franchising giúp nhiều DN tiệm cận được chiến lược kinh doanh nhân rộng.

nhuong-quyen-franchising_copy

Franchising là một mô hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, là một ý tưởng mới với thị trường Việt Nam cách đây nhiều năm. Hiện nay, franchising là một trong những sự lựa chọn nghiêm túc cho chiến lược phát triển của DN Việt Nam hay là lựa chọn đầu tư của nhiều cá nhân.

Về nguyên tắc, tất cả mọi lĩnh vực kinh doanh đều có thể phát triển theo phương thức franchising, từ chuỗi quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bánh mì... đến các dịch vụ như vận tải, tin học, quảng cáo, tiếp thị, từ trung tâm giữ trẻ đến trường đào tạo nghề, công ty môi giới bất động sản...; từ những công ty mới khởi nghiệp đến các tập đoàn xuyên Quốc Gia , tất cả đều có cơ hội phát triển bằng phương thức này.

Tại Việt Nam, franchising bắt đầu nhộn nhịp mà có thể được ví như một cuộc đua của những tay đua không những cần có tốc độ mà còn đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.

Hình thức kinh doanh này mang lại những lợi thế to lớn cho DN, nhưng trước khi quyết định phát triển theo phương thức này, DN cần đánh giá tính khả thi của hệ thống vận hành hiện tại của mình theo các tiêu chí cơ bản sau:

- Mô hình kinh doanh có hiệu quả về lợi nhuận chưa (ROI)? Nếu mô hình kinh doanh hiện nay chưa mang lại lợi nhuận như mong đợi thì phát triển theo phương thức nhượng quyền dường như là không thể thành công.

Người nhận nhượng quyền là những nhà đầu tư và cũng là người tự vận hành cơ sở kinh doanh nhượng quyền của họ. Do vậy, mô hình kinh doanh cần hứa hẹn tỷ lệ lợi nhuận (ROI) tốt trên số vốn đầu tư và công sức của họ. Dĩ nhiên tỷ lệ lợi nhuận này được tính sau khi đã trả các phí nhượng quyền cho doanh nghiệp nhượng quyền.

- Thương hiệu đã có đủ sự tín nhiệm (Credibility)? DN phải có uy tín đối với người nhận nhượng quyền tiềm năng và đây là giá trị thật sự của thương hiệu. Càng nhiều người tiêu dùng tin yêu thương hiệu của DN có nghĩa càng nhiều tiềm năng cho phương thức nhượng quyền thương mại.

Mô hình kinh doanh có tính độc nhất (Uniqueness)? Hệ thống kinh doanh cần có sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ, phương thức tiếp thị, mức độ đầu tư tài chính... và có cơ hội thành công cao khi nhân rộng.

Thông thường cần mất 3 năm cho một DN định hình mô hình kinh doanh và 5 năm để đảm bảo mô hình kinh doanh đó đủ an toàn để phát triển theo phương thức nhượng quyền. Người nhận nhượng quyền đầu tư cho một mong đợi thành công chứ không phải đầu tư cho một sự thử nghiệm.

- Hệ thống vận hành đơn giản và minh bạch (Straightforward operation)? Mô hình kinh doanh có thể vận hành dễ dàng cho người nhận nhượng quyền và có thể đào tạo, chuyển giao trong một thời gian ngắn.

Người nhận nhượng quyền có thể là tổ chức hay cá nhân chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đặc thù của DN nhượng quyền, nhưng với sự vận hành đơn giản và hướng dẫn rõ ràng, họ có thể vận hành thành công hệ thống kinh doanh và mang lại cho khách hàng sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng đúng như doanh nghiệp nhượng quyền mong đợi.

Mô hình kinh doanh linh động và đủ cầu (Adaptability and Demand)? Mô hình kinh doanh phải có tính linh động có thể đáp ứng nhiều địa bàn khác nhau của thị trường và nhu cầu thị trường đủ lớn, và đó cũng là một trong những lý do DN cần phát triển nhanh bằng phương thức nhượng quyền thương mại.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng đội ngũ quản lý mạnh để trở thành một nhà nhượng quyền thành công (Strength of management)? Ngay cả một DN nhượng quyền thành công cũng có thể đối mặt với nguy cơ thất bại nếu không có đội ngũ quản lý giỏi, chuyên nghiệp và có chuyên môn cao.

Thử thách lớn nhất của DN nhượng quyền (franchisor) là sẽ quản lý một nhóm khá lớn các cá nhân và tổ chức nhận nhượng quyền (franchisee) có nhiều cá tính khác nhau, nhiều mong đợi khác nhau, ở nhiều địa bàn khác nhau và... dĩ nhiên văn hóa ứng xử khác nhau.

Một số yếu tố quan trọng của franchisor:

  • Có kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ.
  • Có tầm nhìn.
  • Có sự đồng cảm và kỹ năng truyền thông tốt.
  • Có kỹ năng và chiến lược xử lý vấn đề và khủng hoảng.
  • Có kỹ năng huấn luyện và đào tạo tốt.
  • Và dĩ nhiên là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh nguyên bản (Original business).

Cần chú ý rằng, kế hoạch phát triển nhượng quyền không giống như một kế hoạch kinh doanh bình thường, mà những bước thiết yếu là cần phác thảo xác định phí nhượng quyền, các chuẩn bị pháp lý đề bảo vệ thương hiệu, hợp đồng nhượng quyền, phương thức tiếp thị nhượng quyền, chương trình đào tạo cho người nhận nhượng quyền...

Thử thách thực sự xảy ra khi DN bắt đầu nhượng quyền những cửa hàng, những cơ sở đầu tiên, vì lúc đó mối quan hệ đấy đủ của phương thức nhượng quyền thương mại thật sự xảy ra.

- NGUYỄN HÙNG DŨNG (*), Phó tổng giám đốc Công ty Best Fortune -

(Thanh Phương -

Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Share:

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Ba bí quyết để kinh doanh nhượng quyền thành công

3-bi-quyet-nhuong-quyenNhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc kinh doanh nhượng quyền với mong muốn sớm làm giàu. Tuy nhiên, dù kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đem lại nhiều thuận lợi về mô hình hoạt động, chất lượng sản phẩm, vốn đầu tư và thương hiệu nhưng cũng như bất kỳ công việc kinh doanh nào khác, lời lỗ là chuyện khó chắc chắn được.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, kinh doanh thành công đòi hỏi nhiều yếu tố khác buộc nhà đầu tư không ngừng học hỏi để nâng cao các kỹ năng.

Ba yếu tố sau đây sẽ giúp nhà đầu tư kinh doanh nhượng quyền thành công.

1. Trau dồi các kỹ năng giao tiếp

Những doanh nhân thành công nhất đều là những người có kỹ năng giao tiếp tốt . Nếu bạn thấy mình thiếu những kỹ năng này thì hãy cố gắng cải thiện ngay hôm nay.

  • Luôn làm gương: Cố gắng hoàn thành công việc với sự hào hứng và niềm đam mê để tiếp lửa cho nhân viên.
  • Đặt yếu tố con người lên hàng đầu: Luôn nỗ lực xây dựng lòng trung thành và niềm tin với khách hàng và nhân viên.
  • Tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm: Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước tốt hơn nhiều so với mất nhiều thời gian mày mò những điều ai cũng biết.

2. Chọn thương hiệu nhượng quyền phù hợp

  • Hiểu rõ mình: Xác định xem mình muốn đạt được gì., khả năng tài chính tới đâu, có những điểm mạnh và điểm yếu nào...
  • Nghiên cứu kỹ tài liệu: Dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, báo cáo tài chính, thông tin về công ty bán franchise.
  • Trao đổi kinh nghiệm với các chủ đầu tư khác sẽ giúp bạn đánh giá được tình hình kinh doanh thực tế. Liệu công việc kinh doanh có được hỗ trợ đúng như cam kết? Mức lợi nhuận có đúng như các công ty bán franchise đảm bảo?
  • Xác định giá trị và văn hóa: Dành thời gian nói chuyện với nhân viên và quan chức của các công ty bán franchise để đảm bảo họ hướng đến những giá trị và ưu tiên do mình mong muốn.
  • Đánh giá rủi ro: Kinh doanh không phải là một canh bạc và các nhà đầu tư luôn muốn tối thiểu hóa mọi rủi ro.

3. Tuân thủ các nguyên tắc

Các hệ thống nhượng quyền chuyên nghiệp đều thường xuyên kiểm tra để duy trì chất lượng toàn hệ thống. Tuy nhiên, chính nhà đầu tư phải nỗ lực để bảo đảm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp. Ngoài ra công ty mẹ còn tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng nhằm hỗ trợ kinh doanh cho các chi nhánh nhượng quyền. Vì vậy, bạn hãy tận dụng mọi cơ hội dự các khóa huấn luyện này để học hỏi và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Áp dụng ngay những kiến thức này vào thực tế, sau đó đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên có quá nhiều cải tiến. Sự đồng nhất về chất lượng, hình ảnh và thương hiệu là một đặc trưng của kinh doanh nhượng quyền. Giúp đỡ những chi nhánh khác, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ các chi nhánh khác. Việc hỗ trợ này không chỉ đem lại niềm vui mà còn là cơ hội để bạn học hỏi, rút kinh nghiệm để phát triển những chi nhánh tiếp theo trong tương lai.

- Phúc An -

(Thanh Phương -

Theo Doanh nhân Sài Gòn/Entrepreneur)

Share:

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

5 bí quyết nhượng quyền thương hiệu thành công

Chọn được vị trí đẹp

Một trong những yêu cầu khó khăn nhất đối với bên mua nhượng quyền là lựa chọn vị trí tốt để mở cửa hàng. Nhà hàng Noodles & Company - chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh có trụ sở tại Broomfield, Colorado với hơn 240 chi nhánh luôn xem xét đến yếu tố địa điểm truốc khi quyết định nhượng quyền thương hiệu.

5-bi-quyet-nhuong-quyen

Ông Wayne Humphrey phó chủ tịch của Noodles&Company cho biết: " Chúng tôi có một quá trình phê duyệt rất nghiêm ngặt. Các bên mua nhượng quyền phải thực hiện một bài thuyết trình các dữ liệu về nhân sự, tài chính, bất động sản - chi phí xây dựng và hợp đồng thuê nhà".

Nhân viên chu đáo, thân thiện

Mỗi đơn vị mua nhượng quyền đều cần có "nhân tố X" - những nhân viên xuất sắc- nhờ vào thái độ phục vụ tận tâm và chu đáo có thể biến một cửa hàng bình thường thành một điểm đến được khách hàng yêu thích. "Với bất kỳ cửa hàng chi nhánh nào thuộc thương hiệu nhượng quyền Coldstone, mục tiêu lớn nhất là trở thành điểm đến ưa thích của mọi người vào mỗi tối thứ 6. Để đạt được điều này, bắt buộc mỗi cửa hàng phải chú ý đến việc tuyển dụng nhân viên phù hợp, nhiệt tình với công việc. CEO Doug Ducey nói. "Bạn có thể sở hữu một sản phẩm tốt, một cửa hàng sạch đẹp nằm ở vị trí đắc địa nhưng nếu nhân viên không có thái độ phục vụ tốt, việc kinh doanh cũng sẽ khó thành công".

Duy trì sự khác biệt

Thành công không đến nhờ may mắn. Khi công ty nhượng quyền đã có một sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích và một mô hình kinh doanh hoạt động thông suốt thì nhà đầu tư sẽ kinh doanh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở vai trò là người mua nhượng quyền thương hiệu, bạn cần nắm rõ các tiêu chí, tôn chỉ và sự khác biệt của thương hiệu và duy trì những đặc điểm đó ở chi nhánh của mình. Đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ cũng làm khách hàng quay lưng. Chuỗi nhà hàng Five GuysBurgers and Fries từng gặp tình huống khó khăn này. Jerry Murrell, chủ nhân của chuỗi nhà hàng kể lại "Khoảng năm năm trước đây, bão lớn đã làm thiệt hại đến ngành trồng cà chua ở Florida, giá mỗi thùng cà chua tăng từ 17 đô la lên đến 50 đô la. Chúng tôi buộc phải sử dụng một lát cà chua cho mỗi chiếc bánh và ngay lập tức có rất nhiều khách hàng không hài long, đặc biệt là khách hàng nhỏ tuổi.

Theo đuổi đam mê

Ngoài vấn đề tài chính và cơ sở vật chất, công ty Great Harvest Bread còn quan tâm đến nhiệt huyết kinh doanh của đối tác. Debbie Huber, giám đốc phát triển của công ty khẳng định: Khả năng tài chính tốt sẽ giúp tránh được nhiều rủi ro nhưng chính niềm đam mê mới giúp kinh doanh thành công và tồn tại lâu dài. Không cần thiết phải là đam mê bánh mì hay nấu nướng mà có thể là đam mê kinh doanh, yêu thích công việc phục vụ khách hàng, đóng góp cho cộng đồng hay huấn luyện nhân viên…Dù là làm gì đi nữa thì đam mê sẽ dẫn lối cho bạn đến thành công

Lên kế hoạch phát triển

Ông TariqFarid, Giám đốc điều hành Edible Arrangements - một chuỗi bán lẻ trái cây tươi có hơn 900 chi nhánh trên toàn thế giới chia sẻ kinh nghiệm "Rất nhiều người muốn mở cửa hàng nhưng lại không có nhiều người thực sự muốn trở thành một doanh nhân. Chính điều này khiến họ không lập kế hoạch cho những mục tiêu lớn và lâu dài. Chúng tôi không chỉ muốn nhà đầu tư mở một cửa hàng mà là mở 40 cửa hàng. Điều này đòi hỏi rất nhiều cam kết, vì vậy chúng tôi chỉ bán thương hiệu cho những nhà đầu tư thật sự hiểu những gì họ muốn làm. Bên mua nhượng quyền phải chuẩn bị kỹ càng và chấp nhận các rủi ro phát sinh"

- Phúc An -

(Phương Trinh -

Theo Doanh Nhân Sài Gòn/INC)

Share:

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

M&A trong lĩnh vực tài chính: Cơ hội đang đến

Những khó khăn của các ngân hàng nói riêng cũng như các DN trong lĩnh vực tài chính nói chung dường như đã lộ rõ trong chính sách thắt chặt tiền tệ của năm 2011. Xu hướng sáp nhập và mua bán doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực tài chính đang được nhắc tới nhiều nhằm thanh lọc và nâng cao sức mạnh thực sự của nền tài chính- ngân hàng.

M&A trong lĩnh vực tài chính: Cơ hội đang đến

Năm 2010, hoạt động M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam đạt tổng giá trị 69 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 211 triệu USD của năm 2009. Sang đến năm 2011, mọi giao dịch đều diễn ra với giá trị không cao, điểm nhấn lớn nhất chính là thương vụ Vietcombank bán 15% cổ phần cho ngân hàng Mizuho trị giá hơn 567 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, điều mà người ta chờ đợi của các vụ M&A trong lĩnh vực tài chính là việc sáp nhập những ngân hàng nhỏ, kém thanh khoản để thị trường ngân hàng phát triển mạnh và ổn định hơn. Diễn biến thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn, buộc phải tái cấu trúc để tồn tại.

Thực tế, phần lớn các giao dịch M&A ngành dịch vụ tài chính trong sáu tháng đầu năm 2011 đều liên quan đến việc bán cổ phần các công ty chứng khoán bị lỗ nặng trong thời gian gần đây do sự giảm điểm của các chỉ số của thị trường chứng khoán trong nước và mức độ thanh khoản kém tại cả hai sàn giao dịch chứng khoán. Một trong những giao dịch lớn nhất trong sáu tháng đầu năm thuộc về lĩnh vực bảo hiểm với việc công ty bảo hiểm Ergo của Đức mua cổ phần thiểu số chiến lược tại GIC, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Giám đốc một công ty chứng khoán nhận xét: Việc dỡ bỏ các quy định về giới hạn tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán ở Việt Nam cũng sẽ là động lực thu hút các ngân hàng, công ty nước ngoài tham gia thị trường này.

M&A lĩnh vực ngân hàng không còn là mới mẻ, tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở việc các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước mua một tỷ lệ cổ phần nhất định của ngân hàng trong nước chứ chưa có ngân hàng nào sáp nhập hoặc mua lại toàn bộ ngân hàng khác.Chưa một ngân hàng nào được hé lộ sẽ có hoạt động M&A trong thời điểm này nhưng đây vẫn được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng và sẽ khởi sắc.

mua-ban-va-sap-nhapTrong báo cáo thường niên của PwC (một DN chuyên về lĩnh vực kiểm toán và tư vấn) về hoạt động M&A trong ngành dịch vụ tài chính tại Châu Á năm 2011, thị trường Việt Nam được đánh giá rất lạc quan về triển vọng phát triển lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường M&A trong ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ sôi động trở lại từ cuối năm 2011 sau một năm trầm lắng bởi hiện nay quy mô vốn của nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn quá nhỏ nên áp lực tăng vốn sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn rất nhiều và hiện tượng M&A có thể sẽ xảy ra trong vài năm tới.

Theo PwC, ngành ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc, với các quy định chặt chẽ hơn về vốn, đây có thể là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, báo cáo của PwC cho rằng trong bối cảnh ngành ngân hàng trong nước vốn bị xé nhỏ về thị phần như hiện nay thì sẽ tạo tiềm năng rất lớn trong việc hợp nhất của các ngân hàng.

Tuy nhiên, PwC cũng đưa ra các trở ngại và rào cản mà nhà đầu tư sẽ phải vượt qua nếu muốn các thương vụ M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có thể thành công. Trước hết, các hạn chế về vốn được xem là trở ngại chính đối với hoạt động sáp nhập & mua bán doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.Bên cạnh đó, tác động của sự can thiệp của Chính phủ và cơ quan quản lý cũng là một mối quan ngại hàng đầu được đưa ra trọng cuộc khảo sát.

Ngoài ra, sự cạnh tranh quá mức giữa các đơn vị đấu thầu cũng được xem là rào cản lớn đối với việc thực hiện giao dịch, phản ánh tình trạng tương đối ít ỏi các cơ hội giao dịch sáp nhập & mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam. Những yếu tố về nguồn cung tài chính bên ngoài kém, định giá khó khăn hoặc không chắc chắn và chênh lệch kỳ vọng về giá giữa các bên cũng như việc hạn chế về quyền sở hữu vốn cổ phần cũng là những trở ngại để mỗi cuộc M&A ngân hàng đi đến thành công.

(Phương Trinh -

Theo Doanh nhân Sài Gòn/ NOIT )

Share:

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

12 xu hướng kinh doanh nhượng quyền năm 2012

Tạp chí Entrepreneur (Mỹ) vừa công bố 12 xu hướng phát triển của các lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền tại Mỹ trong năm 2012. Các lĩnh vực như chăm sóc trẻ em và người già vẫn không ngừng tăng trưởng trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dịch vụ spa và chăm sóc sức khỏe vừa chen chân vào lĩnh vực franchise trong vài năm gần đây nhưng đã có sự phát triển khá ấn tượng. franchise-2012

Dù mới hay cũ, tất cả các ngành nghề trong lĩnh vực franchise đều có dấu hiện lớn mạnh trong năm 2012 dù tình hình kinh tế chưa mấy khả năng. Danh sách này không phải là một bảng xếp hạng và không đề cập đến bất kỳ công ty nhượng quyền thương mại cụ thể nào.

Dù có là xu hướng hay không thì trước khi quyết định đầu tư, bạn nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. Tham khảo cẩn thận thông tin, tư vấn với một luật sư và kế toán, nói chuyện với những người đã và đang kinh doanh nhượng quyền để tìm hiểu xem lĩnh vực kinh doanh nào phù hợp với mình.

Burger

Hàng loạt nhà hàng burger nối tiếp nhau ra đời với sự dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn nhanh và thực đơn mở rộng để tăng tính cạnh tranh.

Chăm sóc trẻ em

Chăm sóc trẻ em luôn là nhu cầu rất lớn. Franchise trong lĩnh vực này cung cấp cho các bậc cha mẹ một loạt các lựa chọn khác nhau, từ người giữ trẻ đến các trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ em.

Giáo dục trẻ em

Trẻ em ngày nay năng động hơn bao giờ hết, và cho dù cho các em (hoặc các bậc phục huynh) quan tâm đến nghệ thuật và hàng thủ công, thể thao và phòng tập thể dục khoa học máy tính thì luôn có một cơ sở kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại đáp ứng đầy đủ những nhu cầu đó.

Thể hình

Ngành công nghiệp thể dục thể thao sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Và các nhà đầu tư sẽ tìm thấy rất nhiều các lựa chọn nhượng quyền trong lĩnh vực này bao gồm cả các lớp học khiêu vũ, võ thuật, boxing…

Dịch Vụ Y Tế

Những năm gần đây đã thấy một sự đột biến của các công ty tìm kiếm để thu hút bác sĩ vào gấp nhượng quyền thương mại, với các dịch vụ đa dạng như giảm cân, vật lý trị liệu, dịch vụ chỉnh hình và chăm sóc khẩn cấp.

Cửa hàng bán lẻ

Các cửa hàng bán lại đang bước vào một thời kỳ phục hưng nhờ sự chịu chi người tiêu dùng. Cửa hàng quần áo thống trị lĩnh vực này nhưng bạn có thể tìm thấy các mặt hàng điện tử, thể thao và cả nhạc cụ.

Subway năm nay đã vượt qua McDonald để trở thành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất trên thế giới - một minh chứng cho bánh mì sandwich phổ biến như thế nào. Tuy có một gã khổng lổ "ngán đường" nhưng các chuỗi nhượng quyền kinh doanh bánh sandwich nhỏ hơn vẫn còn tìm thấy rất nhiều cơ hội để phát triển.

Chăm sóc người già

Với thế hệ bùng nổ dân số đầu tiên bước sang tuổi 65 năm nay, thị trường vốn đã lớn mạnh của dịch vụ này bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ hơn. Franchise mở rộng từ các dịch vụ chăm sóc đơn giản cho đến chăm sóc y tế, vị trí hỗ trợ sinh hoạt, di chuyển…. cho người già.

Dịch vụ Spa

Nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực dịch vụ xa xỉ như massage, spa vẫn phát triển mạnh trong điều kiện kinh tế khó khăn phần lớn nhờ mô hình kinh doanh dựa trên thẻ thành viên.

Dịch vụ gia sư

Giáo dục là một trong những lĩnh vực mà các bậc cha mẹ không bao giờ tiết kiệm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các trung tâm dạy kèm hoạt động theo hình thức nhượng quyền tiếp tục phát triển.

- Phúc An -

(Thanh Phương -

Theo Doanh nhân Sài Gòn/ ENTREPRENEUR )

Share:

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Mua lại công ty: đích nhắm của người Nhật

Làn sóng các nhà đầu tư Nhật Bản đến và mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam đang rộ lên. Những con số như 25% cổ phần của Nutifood, 48% của Giấy Sài Gòn, 57% của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế, hay 95% của Diana lần lượt được bán cho các đối tác người Nhật.

Danh sách các thương vụ như vậy còn dài. Xin được giới thiệu nội dung cuộc trò chuyện với ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, về xu hướng này.

Le-Minh-Tam-Kinh-Eng

Thưa ông, vì sao các nhà đầu tư Nhật lại thực hiện các thương vụ M&A, mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục?

-  Các nhà đầu tư Nhật phải đối diện với khó khăn rất lớn trong việc phát triển thị trường nội địa vốn từ lâu đã luôn trong trạng thái bão hòa, do đó việc họ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn và tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần nguồn vốn nhưng việc tiếp cận nguồn vốn trong nước hiện tại lại rất hạn chế. Các doanh nghiệp Nhật đánh giá khó khăn chỉ là tạm thời, môi trường đầu tư, sự ổn định chính trị và tiềm năng to lớn của thị trường vẫn là chủ đạo.

Ở lĩnh vực nào, trong năm 2012, và những năm tới sẽ là đích nhắm của các nhà đầu tư Nhật, theo ông?

- Theo quan sát của tôi đó vẫn sẽ là lĩnh vực hàng tiêu dùng, phân phối, logistics, chăm sóc sức khỏe. Tóm lại là tất cả những ngành nghề khai thác được thị trường và dân số gần 90 triệu dân của Việt Nam.

Bên cạnh đó các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật vừa phải nhưng thâm dụng sức lao động cũng được để mắt khi giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất và xuất khẩu ngược về chính quốc. Cuối cùng là các ngành nghề sản xuất tận dụng các nguyên vật liệu địa phương như việc các nhà đầu tư Nhật đang quan tâm đến lĩnh vực thủy sản.

Theo ông, việc các nhà đầu tư Nhật, thay vì đầu tư vào các dự án, lại chọn cách mua lại một phần doanh nghiệp Việt Nam, nhằm mục đích gì?

- Các nhà đầu tư Nhật chọn cách mua lại một phần doanh nghiệp Việt Nam là cách tối ưu giúp giảm chi phí và thời gian để có thể khai thác thị trường mới nổi với gần 90 triệu dân của Việt Nam. Thay vì tự thiết lập thị trường, họ đã khôn ngoan chọn cách bắt tay với đối tác Việt Nam. Con đường ngắn nhất, mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả nhất để công ty nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam chính là hoạt động M&A.

Điều này tác động như thế nào đến các doanh nghiệp trong nước?

- Lợi ích kèm theo khó khăn do có thêm đối tác nước ngoài tham gia vào quản trị doanh nghiệp luôn hiện hữu, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật vốn nổi tiếng khó tính. Họ đặt nặng vào độ tin cậy, cởi mở của các cổ đông và đòi hỏi rất cao về tính minh bạch của công ty.

Tôi cho rằng hiện nay các DN Việt Nam đã bắt đầu nhận thức lại việc tìm kiếm đối tác nước ngoài. Họ phải nghĩ tới hướng hợp tác lâu dài để cùng khai thác thị trường, mỗi bên có thể tận dụng ưu thế của mình. Chẳng hạn đối tác nội địa sẽ tìm thấy lợi ích cộng hưởng từ sự hợp tác do thông thạo thị trường trong nước khi nước ngoài có thế mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý.

Một số thương vụ mua bán được các bên tuyên bố là mua với "mức giá cao hơn thị trường". Phải chăng người Nhật sẵn sàng mua đắt?

- Vấn đề đắt rẻ thực sự không nên đặt ra ở đây. Khi nhà đầu tư chiến lược muốn mua số lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp để được tham gia quản trị doanh nghiệp đó thì họ sẵn sàng trả giá Premium – giá cao nhất - là việc hết sức bình thường.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc bán lại cổ phần là "đi tìm đối tác chiến lược", còn dư luận lại nói là họ đang bị buộc phải bán công ty vì khó khăn?

- Theo tôi cần phải phân biệt rõ ràng hai khái niệm "đi tìm đối tác chiến lược" hay "bán lại". "Đi tìm đối tác chiến lược" là các cổ đông hiện hữu đồng ý đi tìm cổ đông mới có các thế mạnh nhất định để cùng họ phát triển doanh nhgiệp theo những chiến lược đã định trước nhưng cổ đông hiện hữu vẫn nắm tỷ lệ cổ phần lớn.

Đối với trường hợp "bán lại" thì các cổ đông chiến lược chấp nhận nhượng đa số cổ phiếu hiện hữu và trở thành cổ đông chiếm số ít cổ phần trong công ty. Tuy nhiên không loại trừ việc sau khi tìm được đối tác chiến lược các cổ đông hiện hữu lại đồng ý để các nhà đầu tư mới sở hữu đa số cổ phần trong công ty.

Vậy theo ông doanh nghiệp trong nước có cần phải làm gì?

- Các nhà đầu tư mới vào Việt Nam thường rất thận trọng, thường họ sẽ đi từ bước đầu tiên là trở thành nhà đầu tư chiến lược để có điều kiện hiểu kỹ và thâm nhập thị trường. Họ sẽ mua tiếp cổ phần trong doanh nghiệp khi điều kiện cho phép.

Do vậy cần xem xét cụ thể tỷ lệ của nhà đầu tư mới tham gia vào doanh nghiệp ở mức nào và quyền hạn của họ đối với chiến lược phát triển, các vấn đề quản trị trong doanh nghiệp ra sao thì mới đánh giá được có thực sự doanh nghiệp đang tìm đối tác chiến lược hay không.

Ông nhìn thấy gì đằng sau làn sóng người Nhật đến và mua công ty ở Việt Nam hiện nay?

- Theo tôi xu hướng này không thể cưỡng lại được, đặc biệt khi Việt Nam chính thức phải dỡ bỏ mọi rào cản thương mại theo cam kết WTO. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào tự kinh doanh trực tiếp tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng buộc phải thay đổi tư duy, chuyển cách tiếp cận đối tác chiến lược.

Tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị tốt thì đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thực sự hoàn thiện mình theo các chuẩn mực kinh doanh quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Tháng 11 năm ngoái, Kim Eng đã tư vấn thành công cho thương vụ Công ty Tama Global Investment Pte mua lại 20% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (Cotecland). Mặc dù là tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản chuyên về xây dựng nhà ở với 210 chi nhánh và doanh thu 1,8 tỉ đô la/năm nhưng trong bối cảnh thị trường nhà đất tại Nhật đã bão hòa, Tama Home đã buộc phải hướng sự quan tâm nhiều hơn ra thị trường khu vực. Sau khảo sát, họ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản của Việt Nam, đặc biệt Việt Nam lại là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng và làm việc được rất nhiều người Nhật yêu thích.

(Thanh Phương -

Theo DNSG/TBKTSG)

Share:

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Màu Sắc Tôn Vinh Nhãn Hiệu Của Bạn

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng yếu tố màu sắc thực sự góp phần nâng cao nhận thức nhãn hiệu và đóng vai trò lớn trong các lựa chọn mua sắm của khách hàng. Nó cũng gợi mở trí nhớ và khích lệ cảm xúc. Ngay cả khi màu sắc nhãn hiệu của bạn đã hợp lý, đừng dừng lại ở đó. Hãy chắc chắn rằng những màu sắc bạn lựa chọn đang truyền tải một thông điệp thích hợp tới các khách hàng.

Lấy ví dụ ở logo công ty bạn. Xét về mặt cốt lõi của hình ảnh nhãn hiệu, nó gửi đi một thông điệp then chốt về sản phẩm hay dịch vụ của công ty bạn, hoặc ở một góc độ nào đó, nó tạo ra sự khác biệt giữa nhãn hiệu công ty bạn với các nhãn hiệu cạnh tranh khác. Mỗi một màu sắc đều mang trong mình một thông điệp riêng biệt. Điều này có nghĩa là nếu logo của bạn sử dụng bốn màu sắc, bạn đang gửi đi bốn thông điệp khác nhau trong cùng một lần. Thậm chí nếu các thông điệp là bổ sung cho nhau, chỉ một vài khách hàng có thể nhớ và liên tưởng tới tất cả các ý tưởng trong nhãn hiệu của bạn.

Một ví dụ khác đó là ở tấm danh thiếp kinh doanh, phần đầu đề thư hay các sản phẩm văn phòng phẩm khác. Không kể đến những nỗ lực nhãn hiệu cố kết, một tấm danh thiếp đa màu sắc có thể được xem là một lựa chọn tốt, nhưng càng nhiều màu sắc bạn sử dụng, yếu tố khác biệt sẽ càng ít đi. Bạn đang sử dụng màu sắc để củng cố các đặc tính nhãn hiệu, hay bạn đang gửi đi các thông điệp xung đột lẫn nhau? Một số công ty thành công có những cách thức sử dụng màu sắc nhãn hiệu của riêng mình. Trong tâm trí của người tiêu dùng, UPS là màu nâu. Trong thị trường nước giải khát, Coke là màu đỏ. Hơn nữa, màu xanh của IBM là khác hẳn so với màu xanh của Tiffany. Mỗi một công ty hàng đầu trên thị trường thường lựa chọn một màu sắc cụ thể đóng vai trò là màu sắc chủ đạo cho logo và hình ảnh nhãn hiệu của mình. Một vài công ty lựa chọn sự phối kết hợp của hai màu sắc, như FedEx với màu tía và màu da cam, song hiếm khi bạn thấy được một nhãn hiệu lớn được xây dựng trên nền tảng quá hai màu sắc cơ bản.

Ngoại lệ có thể là ở những công ty có sản phẩm hay dịch vụ khá đa dạng và có nội dung thiên về màu sắc, chẳng hạn như Skittles với bảy sắc cầu vồng của các hương vị hoa quả, hay các công ty in ấn. Bài học thất bại của một số hãng bia mới ở châu Âu đã chứng tỏ cho tầm quan trọng của yếu tố đặc trưng trong màu sắc nhãn hiệu. Sau khi thành lập, nhiều hãng bia đã sử dụng màu xanh lá cây cho hình ảnh nhãn hiệu của mình. Đây là một lựa chọn sai lầm khi mà qua thời gian, nhãn hiệu của các công ty bia này không những không gây được ấn tượng mà có phần ngày một phai mờ hơn. Nguyên nhân xuất phát ở chỗ tại châu Âu cũng như trên toàn thế giới, màu xanh lá cây đã quá in đậm trong tâm trí người tiêu dùng như là một màu đặc trưng của hãng nhãn hiệu bia Heineiken. Họ không mấy quan tâm tới những màu sắc tương tự và do đó, những nhãn hiệu có màu xanh lá cây sẽ không gây được sự chú ý nào cả. Rõ ràng, việc sử dụng màu sắc một cách riêng biệt sẽ là tốt nhất trong hình ảnh nhãn hiệu hay các dữ liệu tiếp thị.

John Williams, chủ tịch kiêm sáng lập viên LogoYes.com, trang web đầu tiên và lớn nhất thế giới về logo và nhãn hiệu công ty, đề xuất về việc xây dựng một bảng màu sắc hai thành phần cho hình ảnh nhãn hiệu bao gồm những màu chủ đạo cho logo cùng các văn phòng phẩm khác và những màu bổ sung cùng hình ảnh đồ hoạ phụ trợ cho trang web và các dữ liệu in ấn phức tạp hơn. Với 25 năm kinh nghiệm quảng cáo của mình, John đã xây dựng các chuẩn mực nhãn hiệu cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 100 (100 công ty lớn nhất thế giới) như Mitsubishi, IBM, GM,…. Ông khuyên rằng trước khi lựa chọn một bảng màu sắc phù hợp cho việc xây dựng nhãn hiệu, bạn hãy quan tâm tới những vấn đề sau:

1) Các màu sắc có lôi cuốn những khách hàng mục tiêu của mình?

Theo John Williams, việc xây dựng màu sắc nhãn hiệu lôi cuốn còn là một phương thức tiếp thị hiệu quả. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không mấy dễ dàng do có khá nhiều yếu tố khác nhau tác động. Cùng với thời gian, sản phẩm phải được khách hàng chấp nhận nên khi chọn màu biểu tượng cho sản phẩm đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn sao cho màu sắc đó luôn mới mẻ, hiện đại trong con mắt khách hàng. Bạn hãy tính tới độ tuổi, giới tính, văn hoá và các yếu tố nhân khẩu học khác của các khách hàng mục tiêu.

2) Màu sắc chủ đạo của mình có riêng biệt?

Nó có nổi bật so với các nhãn hiệu cạnh tranh khác? Nếu nhãn hiệu của bạn nhỏ hơn, việc chia sẻ cùng màu sắc với những hãng dẫn đầu thị trường có thể là hợp lý lúc ban đầu. Song việc này rất dễ đẩy mạnh vị thế của các hãng dẫn đầu thị trường đó do sự nhầm lẫn của người tiêu dùng giữa nhãn hiệu của bạn với nhãn hiệu của hãng kia. Tốt nhất, hãy tạo dựng cho nhãn hiệu một màu sắc riêng biệt. Nhiều thập kỷ qua, màu đỏ luôn là đặc trưng của hãng bột ngọt Ajinomoto. Màu đỏ đó không hề thay đổi theo thời gian, thể hiện sự vững bền của công ty và của sản phẩm, đồng thời ăn sâu vào tâm trí của từ thế hệ khách hàng này đến thế hệ khách hàng khác.

3) Màu sắc mang ý nghĩa hay truyền tải thông điệp gì?

Ý nghĩa hay thông điệp của màu sắc cần thích hợp với nhãn hiệu của bạn. Mỗi sản phẩm đều có mối liên hệ nhất định với màu sắc nào đó. Nhất là những sản phẩm nổi tiếng thường được nhớ tới và nhận ra qua dấu hiệu chủ yếu là màu sắc.

4) Màu sắc chủ đạo có hợp thời hay đảm bảo sự bền vững nhất định?

Yếu tố thời trang hay xu hướng luôn thích hợp với các khách hàng trẻ tuổi, nhưng có thể không mấy dễ dàng với những khách hàng lớn tuổi hơn. Do vậy, tuỳ từng khác hàng mục tiêu, yếu tố màu sắc sẽ có thay đổi cho thích hợp. Một điều cần chú ý khác đó là màu sắc nhãn hiệu cần có sự bền vững, chứ không thể thay đổi liên tục được. Phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh, bạn có thể lựa chọn cho mình những màu sắc nhất định và phù hợp. Song quan trọng ở chỗ bạn cần đảm bảo tính ổn định cho màu sắc đó. Hàng trăm năm qua, chúng ta luôn dễ dàng nhận thấy trên thị trường những biểu tượng màu sắc cố định như màu vàng của chè Lipton, màu đỏ của Coca Cola,…

5) Những màu sắc trực tuyến tương ứng sẽ là gì?

Sau khi xác định bảng phối màu sắc, thách thức tiếp theo của bạn sẽ là đảm bảo một sự mô phỏng tối ưu các màu sắc nhãn hiệu của bạn trên tất cả các phương tiện truyền thông khác nhau. Bạn cần giữ vững sự trung thành với các màu sắc nhãn hiệu đã lựa chọn trong các bản mô phỏng và nhớ rằng chính yếu tố xuyên suốt này đóng vai trò thiết yếu để lôi kéo người tiêu dùng. Một cách khá đơn giản, càng nhiều màu sắc không có nghĩa là càng lôi cuốn hơn. Màu sắc nên tách biệt với nhãn hiệu, và sẽ đóng vai trò khích lệ sự liên tưởng tới nhãn hiệu. Công ty nào lựa chọn cho mình những màu sắc nhãn hiệu một cách chiến lược và sử dụng chúng một cách xuyên suốt chắc chắn sẽ có những tương lai sáng lạn.

(Theo Entrepreneur)

busy

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Câu chuyện về logo VIETTEL và slogan ” hãy nói theo cách của bạn “

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Trước năm 2003 , trước khi bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho công ty Viễn thông quân đội, kiến thức về thương hiệu của những lãnh đạo công ty này gần như bằng con số 0 tròn trĩnh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cười và nói về chuyện xây dựng thương hiệu của Viettel : " Lúc đó được giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu, tôi cũng không biết gì nhiều về vấn đề này, chỉ hiểu láng máng là đi làm logo cho công ty". Tuy nhiên, ông Hùng và các đồng nghiệp của mình tại Viettel đều chung một ý nghĩ " phải thuê một công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm để tư vấn".

Cuối cùng thì JW Thomson (JWT) - Công ty quảng cáo lớn nhất thế giới có mặt tại ViệtNam - đã được chọn. Đối với đại đa số các công ty Việtnam, việc thuê một công ty quảng cáo nươc ngoài làm thương hiệu là một việc làm quá "xa xỉ"  thì việc thuê JWT có thể coi là một hành động " chơi trội ". Trị giá hợp đồng của Viettel và JWT lúc đó có giá trị 45000 USD và được thực hiện trong vòng 2 tháng ( thực tế mất tới 8 tháng ), được coi là một hợp đồng lịch sử làm marketing của công ty này. Thế nhưng có lẽ là một trong những hợp đồng về thương hiệu hời nhất mà Viettel có được.

Khi bắt đầu làm thương hiệu, Giám đốc sáng tạo của JWT- Steve Bonnell nói với ông Hùng " Xây dựng thương hiệu là đi tìm một triết lý sống cho công ty của các ông, đừng dễ tính với chúng tôi và chúng tôi cũng không mong điều đó". Steve cũng không ngờ rằng sau này những người của Viettel làm việc với mình lại thực hiện một cách nghiêm túc đến mức kinh khủng câu nói của mình. Câu nói của Steve đã góp phần làm cho hợp đồng với Viettel trở thành một bi "hớ" nặng của JWT.

Đi ngược lại truyền thống

Một trong những yêu cầu cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu của Viettel là đưa ra điểm khác biệt giữa Viettel và các công ty viễn thông khác.Ông Hùng và các đồng nghiệp của mình đã bắt đầu bằng việc " chống lại lịch sử". Trong nhiều năm, ngành viễn thông là một ngành độc quyền với sự thống trị hoàn toàn của tổng Công Ty Bưu Chính Viễn Thông ( VNPT ). Những khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông như điện thoại cố định, điện thoại di đông, internet… bị gọi là thuê bao và bị coi như những con số chứ không như những con người. Điều này dường như ít người chú ý tới bởi họ chỉ có một nhà cung cấp, không có cơ hôi để lựa chọn , cũng không có quyền phàn nàn. Nhưng chưa hết , do sự thống trị của một mình VNPT, cách quản lý khách hàng cũng rất khác, họ coi khách hàng là một đám đông và phục vụ theo kiểu phục vụ đám đông.

Khi đưa ra ý tưởng về tầm nhìn của thương hiệu, ông Hùng nói với phía JWT " tôi muốn các khách hàng của Viettel được tôn trọng hơn. Họ là những cá thể riêng biệt với những đặc điểm riêng, nhu cầu riêng của họ. Họ phải được phục vụ riêng chứ không phải kiểu phục vu đám đông. Họ là những khách hàng chứ không phải là những con số". Về mặt ý tưởng , Viettel thực sự đã tạo nên môt cú "đi ngược truyền thống" và đưa ra những vấn đề nhạy cảm mà mọi người chưa để tâm tới.

" Caring Innovator"

Khi cùng các chuyên gia thương hiệu của JWT làm việc, phía Viettel đã đưa ra một yêu cầu cho việc xây dựng tầm nhìn của thương hiệu (brand vision); sự kết hợp của văn hoá phương Đông và phương Tây. Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét " khi bắt tay vào làm thương hiệu cho Viettel thì văn hoá của công ty chưa được định hình . Vì thế chúng tôi có khát vọng đưa văn hoá của công ty vào tầm nhìn cảu thương hiêu, trong đó chúng tôii muốn kết hợp văn hoá Đông Tây vào đó".

Theo Ông Hùng, người phương Đông thì thừơng ra quyết đinh dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là dựa vào cảm nhận trực quan để ra quyết định , kiêu như việc thấy " thằng này chơi được " thì ký hợp đồng . THứ hai là nặng về tư duy tình cảm. Thứ ba là chú ý về cơ chế cân bằng. Thế nhưng , mặt yếu của nó là thiếu tư duy phân tích, logic, tính hệ thống và sự sáng tạo mà đây là những điểm nổi bật của người Phương Tây. "Sự kết hợp của văn hoá Đông -Tây sẽ là một sự bổ sung hoàn hảo cho văn hoá của Viettel" Ông Hùng nhận xét.

Dựa trên yêu cầu này, ban đầu JWT đưa ra tầm nhình " Technology with a heart " khẩu hiệu này đáp ứng khá tốt yêu cầu về kết hợp văn hoá Đông Tây mà Viettel đặt ra. Thế nhưng khi JWT đưa ra một lựa chọn khác là " Caring Innovator" thì ban lãnh đạo của Viettel lại đổi ý. Theo giải thích của Viettel về tầm nhìn nhãn hiệu " Caring Innovator" biểu hiện hai nét văn hoá: PHương Đông với "Caring" thể hiện sự quan tâm , chăm sóc, hướng nội; phương Tây với " Innovator" thể hiện sự sáng tạo, hiện dại, tính đột phá và mang hơi thở của khoa học kỹ thuật.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng giải thích về sự lựa chọn này " Chúng tôi thấy từ Caring có nhiều cảm xúc hơn từ Heart; còn Innovator thì mạnh hơn từ Technology" . Trên thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia về thương hiệu , việc lựa chọn giữa 2 khẩu hiệu này chỉ là theo cảm tính của người Phương Đông chú không thể phân tích một cách chinh xác cái nào mạnh hơn.

Bế tắc của Slogan "Đông Tây Kết Hợp"

Tuy nhiên , không giống như sự đồng nhất cao về tầm nhìn thương hiệu, vịêc đưa ra một slogan cho Viettel lại găp phải rắc rối lớn khi cả Viettel và JWT không thể tìm ra một câu slogan thoả mãn cả việc cá nhân hoá nhu cầu của khách hàng và kết hợp được cả triêt lý cảu văn hoá Đông Tây. Nhiều slogan cảu JWT đưa ra như " Far become Near " hay " Closer and Closer"… đều không được chấp nhận vì bị chê là " quá tình cảm, quá thiên về văn hoá phương Đông". Thậm chí phía Viettel còn tổ chức riêng 1 cuộc thi trong nội bộ cán bộ công nhân viên của Viettel với giài thưởng 100 triệu đồng cho ai đưa ra 1 slogan phù hợp. Thế nhưng hàng ngàn ý tưởng được đưa ra mà không có một ý tưởng nào được chấp nhận.Việc đưa ra 1 slogan gặp bế tắc và phía JWT gần như muốn bỏ cuộc bởi hợp đồng của JWT với Viettel chỉ kéo dài 2 tháng nhưng thời gian thực hiện đã kéo dài hơn 4 tháng. Steve Bonnel, giám đốc sáng tạo của JWT nói với ông Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng tôi đã bị lỗ với hợp đồng này vì các ông quá kỹ tính trong việc xây dựng thương hiệu.

"Say it your way"

Vào thời điểm khó khăn nhất, Steve và các đồng nghiệp tại JWT đưa ra một số slogan cho Viettel trong đó có slogan "Say it your way" như một sự lựa chọn cuối cùng. Steve và các đồng nghiệp không dám chắc chắn về việc "Say it your way" sẽ được chọn bởi nó quá "Tây" mà điều này khó có thể được chấp nhận 1 cách dễ dàng với 1 công ty quân đội như Viettel. Thế nhưng không giống như những gì các chuyên gia nhãn hiệu của JWT đã tưởng tượng, "Say it your way" được Viettel đón nhận 1 cách khá nồng nhiệt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Đó là 1 slogan để đời của chúng tôi, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hướng tới những nhu cấu riêng biệt của từng khách hàng mà còn thể hiện sự quan tâm lắng nghe của Viettel đối với nhu cầu đó. Mặt khác, đối với chính nội bộ của Viettel, slogan này cũng thể hiện sự quan tâm, lắng nghe đến các nhu cầu, ý kiến, ý tưởng sáng tạo của từng cá nhân và cho phép họ được thể hiện theo cách riêng của mình. Tuy nhiên đúng là slogan này có xu hướng thể hiện văn hóa phương Tây nhiều hơn."

"Dấu ngoặc kép"

Vượt qua được chướng ngại vật về slogan, Viettel và JWT lại gặp rắc rối khác khi thiết kế logo. 2 bên mất gần 2 tháng mà không thể tìm ra 1 ý tưởng thích hợp cho việc thiết kế logo. Phía JWT đưa ra 1 số ý tưởng rất Việt Nam và rất quân đội cho việc thiết kế như ý tưởng thiết kế logo hình chữ V hay hình ngôi sao… nhưng đều không được phía Viettel chấp nhận vì nó không sáng tạo cho lắm và không thể hiện được tính đột phá như lời nhận xét của ông Hùng. Vào thời điểm này phía JWT thật sự nổi giận vì sự khó tính của "gã nhà quê" Viettel. Steve cho biết, "Chúng tôi đã lỗ nặng nhưng vẫn phải tiếp tục theo đuuổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Họ đã làm quá đúng lời khuyên của chúng tôi "không nên dễ tính."

Khỏang gần 2 tháng, việc thiết kế logo cho Viettel bị hoãn lại cho đến 1 ngày Steve Bonnel chợt nghĩ ra ý tưởng về dấu ngoặc kép và gọi ngay cho ông Hùng. Không cần giải thích, ông Hùng cảm nhận ngay ý nghĩa của ý tưởng này. Ông Hùng nói, "Tôi nghĩ ngay đến sự trân trọng. Nếu bạn tôn trọng câu nói của ai đó, bạn sẽ trích dẫn trong dấu ngoặc kép. Điều này cũng rất thích hợp với slogan "Say it your way" được đưa ra trước đó. Viettel quan tâm và trân trọng từng nhu cầu cá nhân của các khách hàng cũng như nhân viên mình."

Với ý tưởng của dấu ngoặc kép logo của Viettel được thiết kế với hình elipse biểu tượng cho sự chuyển động liên tục, sáng tạo không ngừng (Văn hóa phương Tây) và cũng biểu tượng cho âm dương hòa quyện vào nhau (Văn hóa phương Đông). 3 màu trên logo cũng có những ý nghĩa đặc biệt: màu xanh (thiên), màu vàng (địa), và màu trắng (nhân). Theo đúng bát quái thì thiên ứng với màu đỏ nhưng đuợc đổi thành màu xanh để tông màu phù hợp với bố cục và biểu trưng của quân đội.

"Gã nhà quê lột xác"

Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng tầm nhìn thương hiệu, slogan và logo, Viettel dường như bắt đầu 1 cuộc sống mới. Trong số các công ty viễn thông mới hoạt động, Viettel là công ty duy nhất đi vào tâm trí khách hàng với 1 ý tưởng rất khác biệt vế cá thể hóa việc phục vụ các dịch vụ viễn thông và về sự lắng nghe nhu cầu của từng khách hàng tại Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia về nhãn hiệu, Viettel có tầm nhìn về nhãn hiệu và 1 slogan tốt hơn so với các công ty viễn thông khác tại Việt Nam. Thế nhưng thế mới chỉ là bước khởi đầu của việc xây dựng 1 nhãn hiệu, thách thức lớn hơn là Viettel phải có những kinh nghiệm nhãn hiệu – brand experience thành công. Đây mới là điều khó khăn nhất và nó sẽ kéo dài trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh của Viettel. "Gã nhà quê" Viettel có thực sự lột xác trong cuộc chiến tranh nhãn hiệu trong tương lai hay không. Khách hàng mới là câu trả lời chính xác nhất.

(Theo hptv07's Blog)

busy

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

10 Xu hướng thiết kế logo 2008 (Phần 1)

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Chúng ta nhìn thấy những biểu tượng logo ngày ngày trên những đại lộ, trên hàng tiêu dùng, trên website và trong những cơ quan, những tổ chức… Chắc hẳn bạn có phần thắc mắc hay không hiểu tại sao vẫn có người muốn có những logo như thế? Bạn nên tìm hiểu thêm những kiểu thiết kế biểu tượng dưới đây và học hỏi những kinh nghiệm của các Design đã vận dụng nguyên lý và kỹ thuật để tạo ra nó.

1. Organic 3D.

Đây là kiểu logo mới vào năm 2008, với hiệu ứng 3 chiều. Nó có thể được thấy từ mọi phía và gây hứng thú cho người xem, đặc biệt là những ai ham thích sự mới lạ. Đánh bóng những thấu kính của nó để tạo hiệu ứng 3D hoàn hảo hơn.

Ta lấy một vì dụ. Lần đầu tiên bạn nhìn logo Silverlight, mắt của bạn sẽ cố gắng nắm bắt mọi điểm đặc trưng và phản ứng lại. Phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Bạn sẽ thốt lên "wow"? Bạn qúa đỗi ngạc nhiên chăng? Phải chăng là mẫu thiết kế đã khơi dậy cảm xúc và mong muốn được biết sản phẩm nào phía sau mẫu logo? Phản ứng của người xem chính là cái mà các nhà thiết kế logo hướng vào.

Ban đầu, nhà thiết kế logo làm việc với một hình dạng cơ bản với hiệu ứng trong suốt. Những quá trình về sau có thể phức tạp hơn, nhưng bạn phải nhớ rằng sản phẩm sau cùng càng giống cấu trúc hữu cơ càng tốt. Sử dụng công cụ làm méo (distortion) cho những vòng xoay hòan hảo. Xu hướng thiết kế logo này được chào đón bởi vì nó nổi bật.

Bạn có thể thấy, những bong bóng 3 chiều và hiệu ứng trong suốt đã dược sử dụng quá nhiều đến mức nhàm chán. Một nhược điểm duy nhất là: những logo bắt mắt xuất hiện trên màn ảnh ngày càng công phu, tinh tế nên việc in ấn cũng không dễ dàng chút nào. Thật ra, khả năng in logo chính xác như trên màn ảnh luôn là yêu cầu cơ bản của việc thiết kế logo. Liệu những kĩ thuật tiên tiến, cho phép chúng ta tái tạo một cách chính xác mẫu thiết kế trên những bề mặt khác nhau có thể tạo ra sự thay đổi trong quy luật cổ điển về thiết kế logo?

Những tổ chức kỹ thuật, nơi sản xuất và buôn bán những sản phẩm và dịch vụ mới, sử dụng kiểu logo này. Bằng cách sử dụng hiệu ứng Organic 3D, những nhà thiết kế có thể tránh được kiểu hình ảnh đơn lạnh phổ biến của những công ty kỹ thuật khác. Lọai logo này không những bắt mắt mà cũng thân thiện với khách hàng. Một ưu điểm nổi trội là hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời.

2. Waves – The New Swooshes.

Sau nhiều năm chiếm vị trí quán quân, swooshes vừa bị thay thế bới waves. Bạn có thấy những đường gợn sóng trên logo phía trên? Những nhà thiết kế hàng đầu sử dụng chúng để tăng thêm tính sinh động và dập dờn cho mẫu thiết kế. Để làm nổi bật tính động, nhà thiết kế sử dụng kỹ thuật làm mờ từ màu này sang màu khác cho loại logo này. Việc sử dụng gợn sóng đơn hay kết hợp nhiều gợn trong mẫu thiết kế là không quan trọng, vì hình dáng cong đã tạo sự sinh động cho logo để người xem có thể cảm nhận được sự chuyển động và tính truyền đạt thông tin. "Waves" là một kĩ thuật tốt cho việc gợi lên cám giác về sự chuyển động, chuyển đổi qua lại, sự nhanh chóng và sự kết nối. Kỹ thuật này không dễ sử dụng, nhưng một khi bạn thành thạo nó, bạn có thể tạo ra và tối ưu hóa hiệu ứng. "Waves" đang thịnh hành ngày nay. Chúng đã thay thế "swooshes, swirls" và những kiểu đường cong khác. Liệu rằng "waves" có thể trở thành một lọai "swooshes" mới? Liệu chúng có thể thống trị màn ảnh trong vài năm? Trước đây, chúng ta đã nghĩ rằng "swooshes" là xu hướng, nhưng chúng đã phổ biến đến mức trở nên nhàm chán. Ngày nay, "waves" đang nổi bật. Liệu đây có phải là một trào lưu mới?

3. Web 2.0 Logos.

Những nhà thiết kế thường nghe cụm từ "web 2.0" từ khách đặt hàng logo. Thực chất, cụm "Web 2.0" nói đến những kỹ thuật như: Ajax, Ruby, v.v… Vấn đề là, liệu ta có thể xem kiểu thiết kế Web 2.0 như một xu hướng mới trong lĩnh vực đồ họa?

Ngày nay, logo Web 2.0 đồng nghĩa với những logo hiện đại và hợp thời. Đó là lí do vì sao một số lượng lớn nhà điều hành Net chuyển logo hiện hành sang logo dạng web 2.0. Vậy những logo web 2.0 có những đặc trưng gì? Chúng có màu sáng, nhiều lớp màu, biểu tượng, hiệu ứng 3D, bề mặt sáng bóng, có bóng và hịên tượng phản chiếu. Kiểu chữ đơn giản, thường là dạng tròn. Trong một số trường hợp, những tầng màu sắc, hiệu ứng chiếu sáng, và 3D cũng được áp dụng vào những ký tự.

Những hiệu ứng này phải được sử dụng rất cẩn trọng bởi vì đã có vô số trường hợp những nhà thiết kế logo quá tập trung vào việc sử dụng những yếu tố này để làm đẹp cho logo mà không chú ý đến nội dung của logo – cái mà cần được chú ý nhiều hơn.

Một vài kiểu logo này khá đẹp. Chúng dễ bắt mắt và cho ta cảm giác về sự tinh tế xen lẫn với tính kỹ thuật. Nhưng liệu xu hướng thiết kế logo dạng web 2.0 có liên quan chặt chẽ với kỹ thuật web 2.0 đang thịnh hành? Liệu xu hướng này có mờ nhạt khi kỹ thuật web 2.0 bị thay thế bởi những kỹ thuật khác? Nói một cách thú vị, ta có thể gọi lọai logo này là "apple type logo".

Tất cả chúng ta đã quá quen thuộc với logo Apple xuất hiện vào năm 1998. Apple đã từ bỏ "rainbow logo" và thay thế bằng "glass Apple logo". Logo này đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới, và nó thật sự đã làm sửng sốt công chúng khi nó vừa mới xuất hiện. Hình ảnh 3D mới mẻ, mang tính đột phá là một yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn; nhưng chính tính chất sáng và ấm áp của nó đã góp phần vào sự phát triển của mẫu thiết kế và cách cảm nhận một thương hiệu.

Ngay nay, những logo web 2.0 đã tràn ngập đến nỗi chúng trở nên quá bình thường, chúng ta hãy chờ xem liệu nó có thể tồn tại hay chỉ là một xu hướng lỗi thời.

4. Transparency in logo design.

Tính trong suốt (transparency) luôn luôn là mode. Nhờ vào sự tinh tế, thanh thoát nó thể hiện mà những nhà thiết kế thường sử dụng tính trong suốt. Nó cho phép ta kết hợp nhiều yếu tố thiết kế khác nhau để tạo hiệu ứng đặc biệt. Với sự trợ giúp của tính trong suốt, bạn có thể tạo ra những cảm nhận về sự phát triển, trưởng thành, sự kếp hợp và kết nối.

Một vài nhà thiết kế nổi tiếng cho rằng chỉ có những kẻ thiếu kinh nghiệm mới sử dụng tính trong suốt và nhữn tầng màu sắc. Điều này hoàn toàn sai. Tính trong suốt cho phép bạn tạo ra những hiệu ứng có một không hai, dễ dàng thu hút sự chú ý của người xem. Tính trong suốt khiến cho mẫu thiết kế sáng hơn, và làm mờ đi sự chuyển tiếp giữa các chi tiết để tạo ảo giác về những đốm sáng. Hãy nhìn kỹ logo DarienLibrary. Liệu bạn có thể làm tốt hơn nếu không có sự hỗ trợ của tính trong suốt?

5. Underground Typography – Minimal Fonts.

Hãy xem xét những logo phía trên. Bạn đã từng thấy những logo tương tự như thế chưa? Đây là những logo thường thấy trên sites của Typographic Artists trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng chúng sẽ trở thành xu hướng chính vào năm 2007.

Những logo này dựa trên kiểu chữ nhỏ, được thiết kế bằng cách sử dụng càng ít chi tiết càng tốt. Kĩ thuật này dựa trên những hình dạng cơ bản, tỷ lệ chính xác và tình yêu vô biên đối với kiểu thiết kế theo mức tối thiểu. Kiểu logo này hoàn toàn thích hợp với một số người, nhưng vẫn gây ra tranh cãi đối với những người bảo thủ.

Câu hỏi đặt ra là: Lọai thiết kế này có thể dẫn đến sự phát triển một logo tốt? Hầu hết mọi người có khuynh hướng nói "không", nhất là khi những yếu tố tryền thống: tính rõ ràng và tính dễ đọc được cân nhắc đến. Đúng là những logo dựa vào kiểu Minimal Fonts không thể diễn đạt thông điệp ngay lập tức. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đồng ý rằng nó vẫn có thể bắt mắt người xem, khơi dậy tình cảm hoặc mong muốn để khám phá thông điệp.

Những người xem kiểu logo này sẽ lập tức muốn biết tên của công ty và hiểu ý nghĩa của logo. Hơn nưa, nó tạo ta cảm giác ngạc nhiên của việc ngắm nhìn một cái gì khác lạ so với cái thường thấy trên Web.

Thậm chí, lọai logo này dường như có hiệu quả hơn cả những lọai logo cổ điển. Lời nhận định này phù hợp với một cuộc thảo luận về việc làm xuất hiện những quy luật mới: mẫu thiết kế càng khác biệt so với những mẫu thông dụng, thì nó càng hiệu quả. Những mẫu thiết kế logo dựa trên kiểu chữ nhỏ tối thiểu đòi hỏi kinh nghiệm lâu dài trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và cách trình bày bản in. Chúng cũng không hẳn thích hợp với mọi lọai khách hàng. Ta có thể nhận thấy kiểu logo này đang được sử dụng trên bìa album về nhạc điện tử (eletronic music), trên những website phục vụ cho indie audience, hoặc trên những website của những studio thiết kế đồ họa thịnh hành.

Theo ý kiến của chúng tôi, chẳng bao lâu nó sẽ trở thành xu hướng của năm 2008. Chúng ta có thể hy vọng được chiêm ngưỡng những logo được thiết kế theo xu hướng này.

Theo lantabrand

(Còn tiếp)

busy

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

10 Xu hướng thiết kế logo 2008 (Phần 2)

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Chúng ta từng thấy hàng trăm chiếc cầu vồng trong cuộc sống. Mặc dù vậy, mỗi lần ta thấy, chúng ta không thể rời mắt khỏi bầu trời. Chúng ta cũng dường như muốn "đuổi theo cầu vồng" như lời bài hát nào đó… Những hình bán nguyệt màu cầu vồng từng được sử dụng rộng rãi trong thập niên vừa qua nhưng cuối cùng đã trở nên lỗi thời.

6. New rainbow / Color Scale.

Tuy nhiên, cảm hứng với những gam màu vẫn tiếp tục. Gần đây, chúng ta có thể thấy màu cầu vồng được thiết kế theo nhiều kiểu khác nhau. Đa số các nhà thiết kế sử dụng tính trong suốt để làm nổi bật hiệu ứng trực quan và tạo hỗn hợp màu, giúp tạo ấn tượng thay đổi màu sắc. Những kỹ thuật như: vivid colors, thay đổi từ màu bóng đậm đỏ sang xanh được thực hiện bằng một chuỗi màu sắc. Nhất là ta thường sử dụng nền tối để làm nổi bật mỗi màu của logo, tạo sức lôi cuốn đối với người xem. Những logo này biểu đạt khái niệm về sự tinh tế, kỹ thuật và mới mẻ.

Với khả năng kết hợp màu không xác định, hiệu ứng trực quan thay đổi đặc biệt. Điểm đặc trưng là mặc dù biểu tượng cầu vồng cổ điển đã lỗi thời, thông điệp của nó vẫn còn nguyên giá trị: không giới hạn, không gì là không thể. Xu hướng này đã chứng minh rằng việc sử dụng những yếu tố cổ điển sẽ tạo ra sự mới mẻ và tạo ra những khuynh hướng gây ấn tượng.

7. Sci-fi Fonts.

Trong mẫu logo, font chữ góp phần củng cố thông điệp cũng như hình ảnh. Thế còn những logo in thì sao? Trong trường hợp này, việc chọn một font chữ là rất quan trọng. Một số logo rất đáng nhớ. Với sự gia tăng số lượng máy tính cá nhân theo đầu người, ta đang chứng kiến dự gia tăng của một lọai logo mới, sử dụng font chữ Sci-Fi.

Cho dù chúng là sự sáng tạo của những nhà thiết kế nổi tiếng như Raylarabie và Wim Crouwel hay là những đề án trong lớp học của những sinh viên chăm chỉ, chúng ta cũng có thể nhận thấy số lượng ngày càng tăng những font chữ này trong những năm qua.

Vào đầu năm 2000 và sau đó, những giáo viên dạy thiết kế không khuyến khích sử dụng thường xuyên font chữ này. Lý dó là nó là xu hướng đã qua. Sự thật, mọi chuyện đã xảy ra ngược lại.

Việc sử dụng thường xuyên font chữ sci-fi với đường viền thẳng và những hình dạng đơn giản đã đặt dấu ấn cho nó như một xu hướng mới trong lĩnh vực thiết kế logo: chúng không những thay đổi hình dạng font chữ mà còn tạo ra font chữ mới trong những chương trình như FontLab.

Lấy logo Compaq làm ví dụ. Compaq chọn loại font chữ này cho đề án thiết kế lại logo của công ty vào năm 2007. Nó rõ ràng đã truyền đạt được khẩu hiệu mới của công ty: "See why Compaq gets people talking", Ta hãy để ý cái cách mà câu khẩu hiệu được thể hiện dưới hình dạng chữ Q. Bạn có thấy cái Talk Box không? Đó là ví dụ về lọai logo thể hiện thông điệp chỉ bằng chữ viết. Quả là lời ít ý nhiều.

8. Leaves Logos.

Trong một vài năm gần đây, đa số những bộ sưu tập logo đều có điểm xuyết hình những chiếc lá. Dường như lá có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn ngồi xuống và tự hỏi: "Phải chăng đây là kết quả của sự quan tâm đến môi trường và hậu quả của nạn ô nhiễm? Hay bởi vì màu xanh đang thịnh hành? Hay bởi vì con người đã quá mệt mỏi với việc phải đối mặt hàng ngày với màn hình vi tính đến nỗi khiến họ ao ước được hòa mình với thiên nhiên bên ngoài"? Lá đồng nghĩa với sự sáng tạo, tính độc đáo và lối suy nghĩ táo bạo.

Ta cũng thấy hình ảnh lá trên logo của một số công ty cho dù công ty đó không hề liên quan gì đến lĩnh vực môi trường hay tự nhiên. Nhưng điểm cốt yếu của việc sử dụng hình ảnh chiếc lá là để làm tăng sức mạnh cho thông điệp được diễn đạt. Rất nhiều trang web 2.0 tạo hình những kiểu lá có màu spring-green, màu ưa thích của web 2.0. Ở đây, ta không nói về hình ảnh chiếc lá cổ điển mà về sự cách điệu, đặc biệt là dưới hình dạng chữ nhật với những đường viền cong. Đây là hình ảnh tượng trưng mang tính hiện đại, phù hợp với những xu hướng thiết kế tân tiến. Những logo này thường đơn giản, đem lại cảm giác dễ chịu cho người xem.

Một tiện ích khác là những logo này rất bắt mắt. Điều duy nhất mà ta nên chú ý là sự lạm dụng hình ảnh lá quá nhiều trên các logo. Đã có những chương trình dạy cách đề tạo một logo với hình ảnh chiếc lá. Liệu rằng xu hướng này sẽ tiếp tục hay là sẽ dẫn đến kết quả là những chiếc là sẽ bi xóa sổ?

9. The Ugly 80's.

Hãy quan sát những mẫu thiết kế logo phía trên. Phản ứng đầu tiên của bạn là gì?

Nó làm bạn sửng sốt, không thốt nên lời và có gì đó bối rối? Những logo này không có kiểu dáng đẹp, hình bóng, hiệu ứng phản chiếu gương, màu ấm hoặc biểu tượng.

Chúng trống giống như là kết quả của việc bày biện của lũ trẻ. Vậy thì tại sao vẫn có người muốn có những logo này?

Câu trả lời rất đơn giản: loại logo này rất khác lạ và chắc chắn sẽ nổi bật. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại những thập niên 80 – thời kì của kiểu dáng hình học lạ mắt và hiệu ứng màu neon, loại logo này đã xuất hiện và giành được ví trí hàng đầu trong sự lan tràn của những logo dễ thường lúc bấy giờ.

Sự xuất hiện của xu hướng này có thể được hình thành bởi sự trở lại phi thường của thời trang thập niên 80 và những thiết kế nội thất và công nghiệp. Một vài người cho rằng những logo này khá hiện đại và có tiềm năng trong tương lai; trong khi một số khác lại cho rằng chúng quá xấu xí. Nhưng có lẽ ta cũng không nên quá khắt khe bởi vì chỉ mỗi việc chúng được nhắc đến nhiều cũng đủ để chú ý.

Có khá nhiều bài báo nói về logo của London 2012. Mặc dù nhiều người đồng ý rằng thập niên 80 không có những thiết kế đồ họa xuất sắc và mọi người ra chỉ trích xu hướng này, chúng ta vẫn nên công nhận những ưu điểm của loại logo này.

•    Thứ nhất, nó nổi bật và dễ gây chú ý.

•    Thứ hai, nó hoàn toàn khác biệt so với những kiểu logo ta thấy trước đây.

•    Thứ ba, nó không bao giờ nhàm chán.

Thậm chí, ta có thể nói rằng nó thật thú vị, thô sơ và mãnh liệt. Mỗi màu tượng trưng cho một sự bùng nổ năng lượng, họat động và âm thanh phù hợp với cuộc sống hiện tại. Thông điệp được thể hiện nhanh chóng và không đòi hỏi người xem phải vắt óc suy nghĩ. Nói cách khác, không quyến rũ, không nghĩ ngợi. Ta phải nói thêm rằng xu hướng này đã cách mạng hóa việc thiết kế logo và nạp năng lượng cho quá trình sáng tạo bằng cách tạo ra những quy luật mới và định nghĩa mới về cái đẹp. Dĩ nhiên, những rủi ro là không tránh khỏi, chẳng hạn như người xem không thể hiểu được thông điệp của logo. Những công ty không có ngân quỹ cộng đồng kết sù như lượng ngân quỹ cho Wacom hoặc London 2010 phải chấp nhận mạo hiểm.

10. The New Crest

New Crest logos từng thông dụng rộng rãi trong một vài năm qua. Năm 2008 là năm hoàng kim của New Crest. Với sự kết hợp thông mình giữa tính biểu tượng trung cổ và những yếu tố đồ họa của văn hóa thành thị, những logo kiểu New Crest đã hấp dẫn giới trẻ khi chúng vừa mới xuất hiện. Cuối cùng, chúng được sử dụng trong thể thao và khắp mọi nơi trong cộng đồng. Cùng lúc đó, chúng cũng được sử dụng bới những nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng như MTV, v.v…

Có lẽ, nó là sự tương phản giữa cái cũ và cái mới, giữa những font chữ mới và những chú sư tử thời trung cổ hay những họa tiết cổ xưa với những chi tiết hiện đại. Nghệ thuật cắt dán hình ảnh (collage) là quá trình chính phía sau những biểu tượng này, giúp kết nối những yếu tố thích hợp để tạo ra một bản hòa âm đúng điệu.

Ta có khuynh hướng thích New Crest và nghĩ rằng nó sẽ thử nghiệm tốt với khách hàng trong năm 2008 và những năm về sau. Cần chú ý: Những logo New crest không phải dành cho những nguời mới tập tễnh vào nghề. Những nhà thiết kế cần một số vốn kinh nghiệm trước khi bắt tay vào thiết kế logo. Nó cần một cặp mắt lành nghề và óc sáng tạo, tưởng tượng để tạo ra những logo new crest ở những tầm cao mới!

Theo lantarand

busy

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

10 xu hướng thiết kế bao bì năm 2008

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Phá vỡ những quy tắc và tư duy khác đi chính là điểm bắt đầu cho những xu hướng của tương lai. Những người làm thiết kế phải tự thôi thúc bản thân và "lôi kéo" khách hàng từ bỏ những giải pháp đã nhàm chán trong quá khứ để chấp nhận những ý tưởng sáng tạo có khả năng gây ảnh hưởng lớn.

Trong một thế giới mà hiểu biết về thiết kế và óc thẩm mỹ của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, nhiệm vụ của các chuyên gia là phải nắm được những xu hướng hiện nay để tìm ra phương án hấp dẫn khách hàng nhất. 10 xu hướng được tổng hợp dưới đây có thể là cơ sở để các nhà thiết kế phát triển các ý tưởng mới, thậm chí là tạo dựng những khởi đầu trào lưu mới...

1. Giãi bày, kể chuyện

Những thông tin về nguồn gốc của sản phẩm sẽ làm tăng sự tin cậy của khách hàng - chưa kể thực tế nội dung câu chuyện có thể ăn sâu vào trí nhớ của khách hàng. Đây là công cụ rất mạnh xét về khả năng tạo lập quan hệ giữa thương hiệu và sản phẩm. Từ chỗ chỉ có một vài mẩu nhỏ được in phía sau bao bì, xu hướng kể chuyện giờ đã phát triển thành những câu chuyện được in trực tiếp mặt trước bao bì: câu chuyện giờ đã trở thành một phần của thiết kế, tạo ra sự hấp dẫn và giải trí, mang lại cảm giác thư giãn cho khách hàng và khiến họ quan tâm tới bao bì. Một khi sự kết nối được tạo dựng, sức hút của sản phẩm sẽ tăng lên mạnh mẽ.

2. Vui nhộn

Bao bì cổ điển chỉ "chung thủy" với chức năng thông tin chi tiết và lợi ích của sản phẩm, nhất là những loại bao bì có nội dung rõ ràng, súc tích và đơn giản. Khi một thương hiệu có cá tính, nó sẽ trở nên hấp dẫn, quyến rũ và mang lại sự hài hước cho khách hàng. Tư duy xa hơn, hãy coi thương hiệu là nguồn tạo ra sự vui nhộn. Những dấu hiệu hài hước kỳ lạ (đôi khi là kỳ cục) sẽ tạo tính giải trí cho bao bì và khiến cho người tiêu dùng có căn cứ tin vào sản phẩm. Sự vui nhộn có thể làm nóng cả những bộ óc hoài nghi nhất. Sống ở trên đời, ai mà không mua sắm - vậy sao không tạo cho khách hàng những cảm giác vui nhộn bất ngờ?

3. In đậm

In đậm có nguồn gốc từ Pop Art, có pha trộn cảm xúc của những cuốn truyện tranh. Kiểu dáng in đậm của bao bì khiến nó trở nên độc đáo, khác biệt với mọi sản phẩm khác trên giá hàng. Bao bì thường có màu sáng, đôi khi được tô điểm bằng những đường đen bao lấy hình vẽ. Có thể xem đây là một xu hướng tiến tới sự đơn giản, vì mơ ước của mọi chuyên gia thiết kế là được tạo ra những hình ảnh rõ ràng và ít rối rắm. Xu hướng in đậm đang phát triển và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt với những loại sản phẩm cần vẻ ngoài mạnh mẽ. Xu hướng này cũng được sử dụng với những loại sản phẩm đang bị cạnh tranh gay gắt, nhằm khẳng định sự khác biệt với các đối thủ trên thị trường.

4. Hình ảnh thay lời muốn nói

Thông thường, người thiết kế hay chú trọng việc cung cấp mọi thông tin liên quan sản phẩm tới khách hàng thông qua bao bì mà quên mất rằng ngườ i tiêu dùng có thể bị nhiễu loạn bởi lượng thông tin dày đặc. "Hình ảnh thay lời muốn nói" là xu hướng tập trung cho sản phẩm thay vì thương hiệu, chú trọng việc tô đậm hình ảnh sản phẩm nhằm thuyết phục người tiêu dùng mua hàng. Để làm được điều này, người thiết kế thường sử dụng những bức ảnh mô tả đặc tính hay cảm xúc liên quan sản phẩm, hoặc tập trung vào những ích lợi mà khách hàng sẽ thu về khi tiêu dùng sản phẩm. Đây cũng là xu hướng được phát triển từ ý tưởng đơn giản hóa và đang được nhiều thương hiệu mạnh sử dụng.

5. Thủ công

Càng muốn đơn giản hóa cuộc sống của chính mình, chúng ta càng muốn tìm kiếm vui thú và đam mê mỗi ngày. Các sản phẩm thủ công luôn được xem là đặc biệt và người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua chúng. Nhưng trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần có cảm giác tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Kiểu thiết kế thủ công, sử dụng những họa tiết "vẽ tay" sẽ tạo hiệu ứng thân thiện, khiến người tiêu dùng bằng các giác quan có thể cảm nhận sản phẩm một cách trực tiếp. Nhìn những đồ họa (hình ảnh, chữ viết) được kết hợp khéo léo trên bao bì, khách hàng sẽ có cảm giác sản phẩm được làm riêng cho mình. Có thể xem thiết kế thủ công là một bước tiến từ mô hình sản xuất hàng loạt tới tiếp xúc nhân văn.

6.Phong cách sống

Có thể nói xu hướng này đã từng bị lạm dụng trong quảng cáo nhiều năm qua, nhưng với thiết kế bao bì, vai trò của nó khá hạn chế. Xu hướng "phong cách sống" chú trọng những lợi ích của sản phẩm và thương hiệu. Chuyên gia thiết kế tìm cách mô tả sản phẩm khi đang được sử dụng, thông qua những bức ảnh minh họa. Xu hướng này thể hiện rất rõ ở châu Âu, trên bao bì thường có hình ảnh người tiêu dùng tỏ ra thích thú trải nghiệm sản phẩm. Có nhiều cách để tạo ra hiệu ứng này, thông qua hình ảnh người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm, hay vẻ mãn nguyện của họ sau khi dùng xong. Thông điệp hướng tới là khách hàng sẽ có cảm giác như đang tiến gần tới một phong cách sống nào đó.

7. Phỏng theo quá khứ

Xu hướng này đánh vào tình cảm của khách hàng, tạo cảm xúc về quá khứ, hay làm sống lại trong họ những kinh nghiệm tích cực trước đây về sản phẩm. Đây là lý do tại sao những sản phẩm như Izze lại sử dụng những biểu tượng của những năm 60 trên bao bì. Rõ ràng, việc khơi dậy tình cảm hoài cổ không phải là ý tưởng mới, nhưng quá khứ mà chúng ta mô phỏng phải thường xuyên được cải biến, thay đổi. Xu hướng này không phải là sự bắt chước hoàn hảo, nói cách khác là sự mô phỏng 100% thiết kế năm xưa; thay vào đó, những chuyên gia thiết kế tài năng sẽ chỉ giữ lại một số yếu tố đặc thù và bổ sung những nét mới, tạo ra những "xúc cảm đương thời" trong người tiêu dùng của ngày hôm nay.

8. Càng ít càng tốt

Nhiều năm qua, xu hướng "càng ít càng tốt" dường như đã trở thành chủ đề tranh luận trong cộng đồng thiết kế. Sự đơn giản thường được xem là mơ ước của các chuyên gia thiết kế và cả những người tiêu dùng - nó khiến nhiều thứ trở nên dễ dàng và có tính thuyết phục hơn. Cách tiếp cận này thường được dùng để gợi ra một sự tao nhã thầm lặng hay để tập trung truyền tải ý tưởng chỉ đạo. Trong năm 2008, ngoài xu hướng này, chúng ta có thể thấy những biến tấu khác của sự đơn giản hóa như "hình ảnh thay lời muốn nói" hay "vui nhộn, bất ngờ" đã trình bày trên đây.

9. Tự do biểu đạt

Xu hướng này nhấn mạnh sự biểu đạt nghệ thuật một cách tự do trong thiết kế bao bì, dùng sáng tạo thẩm mỹ để gây bất ngờ và tạo sự ưa thích cho các nhóm khách hàng trẻ tuổi. Có thể quan sát nhưng thật khó mô tả xu hướng này bởi tính chất đa dạng của những giải pháp, tuy nhiên điểm chung nhất chính là cách tiếp cận hoàn toàn mới, thậm chí ngược hẳn với kiểu bao bì sản phẩm truyền thống, lấy sáng tạo làm động lực và "phó thác" cho ý tưởng nghệ thuật lan tỏa, tuy nhiên phải tôn trọng nguyên tắc không tác động tiêu cực tới các lợi ích của sản phẩm và thương hiệu.

10. Xanh lá

Xu hướng này lan truyền khá nhanh và đang thu hút sự quan tâm với hầu hết các thương hiệu, vì nó ảnh hưởng tới mọi mặt của bao bì - từ thu thập nguyên liệu đầu vào cho tới tái chế để tái sử dụng. Gắn kết với xu hướng xanh là sự nổi lên của phong trào "tư duy toàn cầu, mua hàng địa phương"; cả hai đều hướng tới việc giảm thiểu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất và đóng gói, đưa các sản phẩm địa phương ra thị trường. Trong cuốn sách "Sinh thái học Thương mại", tác giả Paul Hawken cho rằng nếu doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động tái chế và xử lý chất thải doanh nghiệp sẽ rất dễ ghi điểm trong thị trường. 10 năm sau, ý tưởng của Hawken đã được thừa nhận rộng rãi. Xu hướng xanh đang từng bước in dấu trên trái đất và với nhiều người tiêu dùng, nó đã trở thành một lối sống.

Theo Marketing

busy

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

10 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2008

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Tạp chí Business Week và Công ty Thương hiệu Interbrand vừa công bố danh sách 100 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2008. Theo đó, 10 thương hiệu hàng đầu không có thay đổi lớn so với bảng xếp hạng năm 2007. Coca-Cola vẫn đứng đầu với trị giá thương hiệu được duy trì ở mức 66,667 tỷ USD.

Để tính giá trị của thương hiệu, Business Week đã chọn đối tác Interbrand bởi vì phương pháp tính giá trị thương hiệu của Interbrand, giống với cáchtính giá trị khác của các nhà phân tích.

Để xếp hạng những thương hiệu hàng đầu thế giới, Interbrand đánh giá giá trị thương hiệu giống như cách định giá tài sản doanh nghiệp, tức là dựa trên tính toán khả năng thương hiệu đó có thể kiếm về cho doanh nghiệp bao nhiêu trong tương lai.

Interbrand đã tổng hợp những dự đoán của giới phân tích, tình hình tài chính của công ty cùng với những phân tích định tính và định lượng do chính công ty thực hiện để tính toán giá trị thương hiệu. Interbrand đã tập trung vào bản chất của mối liên hệ giữa thương hiệu với sự thành đạt cũng như thất bại của các doanh nghiệp.

Interbrand đã chỉ ra vấn đề mấu chốt là sự "Sáng tạo theo yêu cầu", một nguyên lý có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải nắm bắt và vận dụng để thúc đẩy chiến lược, cải tiến quản lý và hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất.

Interbrand đã sử dụng nhiều tiêu chí để xếp hạng giá trị các thương hiệu. Để được có tên trong danh sách này, mỗi nhãn hiệu sản phẩm phải có ít nhất 1/3 doanh thu là từ thị trường nước ngoài, được đông đảo người tiêu dùng không thuộc đối tượng khách hàng mục tiêu của hãng thừa nhận, và xuất hiện trong hệ thống cơ sở dữ liệu marketing và tài chính công khai.

Giá trị thương hiệu được tính trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 30-1-2008 trở về trước. Điều này có nghĩa những thương hiệu đang gặp khó khănnhưMerrill Lynch và AIG vẫn có mặt trong danh sách của Business Week.

Dưới đây là 10 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2008:

1- Coca-Cola: Giá trị thương hiệu năm 2008: 66,667 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 1.

2- IBM: Giá trị thương hiệu năm 2008: 59,031 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 3

3- Microsoft: Giá trị thương hiệu năm 2008: 59,007 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 2

4- GE: Giá trị thương hiệu năm 2008: 53,086 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 4

5- Nokia: Giá trị thương hiệu năm 2008: 35,942 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 5

6- Toyota: Giá trị thương hiệu năm 2008: 34,050 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 6

7- Intel: Giá trị thương hiệu năm 2008: 31,261 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 7

8- McDonald's: Giá trị thương hiệu năm 2008: 31,049 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 8

9- Disney: Giá trị thương hiệu năm 2008: 29,251 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 9

10- Google: Giá trị thương hiệu năm 2008: 25,590 tỷ USD; Thứ hạng năm 2007: 20.

Theo KT&DT

busy

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Mở rộng thương hiệu sao cho tốt?

In E-mail

Nguồn tin: Marketing Vietnam

Mở rộng thương hiệu thực sự là một chiến lược nguy hiểm. Nếu làm không tốt chiến lược mở rộng thương hiệu thì thương hiệu cốt lõi (core brand) của bạn cũng sẽ gặp khó khăn. Và ngược lại, nếu bạn làm tốt, mở rộng thương hiệu sẽ góp phần không nhỏ vào tài sản thương hiệu vốn có.

Nói một cách dễ hiểu, mở rộng thương hiệu cũng giống như cách bạn tận dụng tài sản thương hiệu vốn có để bán thêm những sản phẩm và dịch vụ mới, ví dụ như quần áo chơi golf của Nike, giày của Oakley, máy quay phim kỹ thuật số của Sony và quần áo của Evian… Mặc dù lợi ích của việc theo đuổi chiến lược mở rộng thương hiệu bạn có thể dễ dàng nhận thấy như: phát huy được tài sản thương hiệu vốn có; giúp doanh nghiệp phát triển và củng cố vững chắc hơn những thuộc tính của thương hiệu cốt lõi…, tuy nhiên nếu thương hiệu mở rộng không thích hợp với thương hiệu cốt lõi thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít rắc rối như: thương hiệu mới không tận dụng được tiềm lực sẵn có của thương hiệu cốt lõi và như thế sẽ dễ thất bại trong chiến lược phát triển; hoặc thương hiệu cốt lõi ban đầu sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Muốn mở rộng thương hiệu thành công phụ thuộc vào phần mở rộng đó có phù hợp hay đồng nhất với giá trị cốt lõi của thương hiệu hay không. Nhưng thường những nhà quản lý lại hay áp đặt quan điểm của mình trong việc mở rộng thương hiệu. Cách nhìn nhận của họ về thương hiệu thường đối nghịch với lại người tiêu dùng. Hơn thế nữa những nhà quản lý hầu như không đánh giá cao và hiểu được những nhận định của người tiêu dùng về phần mở rộng của thương hiệu. Vì vậy họ rất khó có thể xem xét tất cả mọi khía cạnh mà người tiêu dùng cho là thích hợp để mở rộng thương hiệu.

Khi xem xét mở rộng thương hiệu, có 4 đặc điểm sau cần lưu ý:

Thích hợp (relevance): bạn phải xem xét phạm vi mà những đặc tính (attributes) của thương hiệu cốt lõi có liên quan hoặc ảnh hưởng đến thương hiệu mở rộng. Ví dụ như (1) đặc tính cốt lõi của thương hiệu Starbucks rõ ràng có liên quan đến doanh thu của sản phẩm cà phê nghiền nhưng lại chẳng hề ảnh hưởng gì đến việc bán hàng của đồ dùng nhà bếp như lò viba, tủ lạnh…(2) hoặc như thương hiệu của Coca-Cola thì thích hợp với mở rộng sang các lọai nước ngọt và soda khác hơn là các sản phẩm nước ép trái cây như nước cam chẳng hạn.

Sự thừa nhận (recognition): người tiêu dùng của bạn cũng cần phải tìm được một lý do hợp lý tại sao bạn lại mở rộng sang lĩnh vực mới này. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng hiểu được nếu Mc Donald's muốn kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, nhưng khi Mc Donald's chuyển sang kinh doanh 1 cửa hàng rau quả thì họ có thể "không thích" như vậy? Hoặc bạn sẽ đóan được tâm lý gì sẽ diễn ra trong đầu người tiêu dùng khi Nike chuyển sang kinh doanh quần áo chơi golf hoặc nếu Nike kinh doanh quần áo thời trang. Dĩ nhiên là quần ào chơi golf sẽ làm người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn.

Sự tín nhiệm (credibility): đó là sự tin tưởng có được từ thương hiệu cốt lõi ảnh hưởng tốt lên thương hiệu mở rộng và làm cho nó dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận hơn. Sony sẽ dễ dàng được tin tưởng với dòng sản phẩm máy tính xách tay mới của mình hơn là khi họ sản xuất quần áo thể thao. Hoặc các lọai bia mới của Budweiser sẽ dễ dàng bán được hơn là một lọai rượu mới của Budweiser.

Khả năng chuyển đổi (transfer): được xem là những kỹ năng, kinh nghiệm của thương hiệu cốt lõi có thể được chuyển đổi tận dụng cho thương hiệu mở rộng. Hãng hàng không British nếu mở rộng kinh doanh thêm các chuyến bay nội địa họăc những chuyến bay giá rẻ sẽ dễ tận dụng những kĩ năng và kinh nghiệm sẵn có của mình hơn kinh doanh xe búyt đường dài. Tương tự, American Express sẽ dễ dàng chuyển sang kinh doanh bảo hiểm du lịch hơn là cho thuê xe hơi.

Làm thế nào để mở rộng thương hiệu? 5 bước sau đây sẽ giúp bạn làm tốt hơn công việc mở rộng thương hiệu của mình:

Nghiên cứu ban đầu: bạn cần nói chuyện với đối tượng tiêu dùng mục tiêu của thương hiệu bằng những phương pháp mở để khơi gợi từ họ những đặc tính và cấu trúc của thương hiệu cốt lõi.

Tận dụng nghiên cứu ban đầu ấy: để hỗ trợ các nhà quản lý trong việc phát triển ý tưởng mở rộng thương hiệu bởi đôi khi các nhà quản lý cấp cao cũng có thể có những suy nghĩ không thích hợp với người tiêu dùng của họ.

Nghiên cứu thật tỉ mỉ: trong quá trình nghiên cứu, người nghiên cứu phải đảm bảo nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu mở rộng tương thích với nhóm khách hàng của thương hiệu cốt lõi hiện tại, phải đảm bảo sao mẫu nghiên cứu phải đại diện cho nhóm khách hàng tiềm năng có khả năng mua của thương hiệu mở rộng

Lựa chọn việc mở rộng thương hiệu: một khi bạn là nhà quản lý cấp cao, hiển nhiên bạn sẽ phải chọn thương hiệu mở rộng nào có mức độ tương thích với thương hiệu cốt lõi cao nhất và có xác suất thành công lớn nhất. Nếu bạn muốn lựa chọn thương hiệu mở rộng không hòan tòan tương thích với thương hiệu cốt lõi, bạn phải xác định được điểm nào chưa phù hợp và tìm cách thay đổi nhận định / đánh giá của khách hàng về thương hiệu thông qua quảng cáo hoặc tiếp thị để làm cho thương hiệu đã mở rộng được phù hợp.

Kiểm sóat việc mở rộng thương hiệu: bạn phải luôn cân nhắc xem có gì ảnh hưởng đến thương hiệu cốt lõi của mình sau khi thương hiệu mở rộng được mọi người biết đến để có những hành động kịp thời không làm mất đi hình ảnh thương hiệu cốt lõi sẵn có.

Theo marketingvietnam sưu tầm

busy