Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Thời điểm để doanh nghiệp Hoa Kỳ nhượng quyền tại Việt Nam

Việt Nam đã mở cửa lĩnh vực nhượng quyền thương mại (franchise), nhưng theo bà Sarah Kemp, Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, "rào cản lớn nhất không phải là quy định pháp lý mà là cơ sở hạ tầng và khả năng tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp".

* Có tin thương hiệu Nhà hàng McDonald's định vào Việt Nam nhưng không thành. Điều này có làm nản lòng các doanh nghiệp khác của Mỹ muốn nhượng quyền thương mại ở Việt Nam?

- McDonald's không phải là công ty franchise duy nhất, hơn nữa yêu cầu của những công ty như vậy về đối tác, nguồn cung cấp... rất cao. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam cân nhắc các thương hiệu khác đã thành công mà không đòi hỏi quá cao.

Lỗi thường gặp là các nhà đầu tư hay chú trọng vào những doanh nghiệp quá nổi tiếng nhưng trong nhiều trường hợp, chính những thương hiệu thành công mà kém nổi tiếng hơn lại thu được lợi nhuận cao hơn.

* Bà nhận xét thế nào về các quy định pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực franchise?

- Trước đây, cơ sở hạ tầng là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn franchise ở Việt Nam, bởi không có nhiều trung tâm thương mại và mặt bằng giá cho thuê bán lẻ khá cao. Franchise đem lại lợi ích chung cho cả hai bên. Đây là cơ hội tiếp cận những tiêu chuẩn kinh doanh, kinh nghiệm quản lý thương hiệu, quản lý tài chính của quốc tế, đồng thời là nguồn tạo việc làm quan trọng, nhất là với lực lượng lao động trẻ.

Franchise cũng đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Rào cản lớn nhất của Việt Nam không phải là quy định pháp lý mà là cơ sở hạ tầng và khả năng tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Với những vấn đề khác, các công ty sẽ tự xem xét các vấn đề cụ thể khi tiếp xúc với các đối tác Việt Nam.

Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa lĩnh vực franchise và cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay cũng đã sẵn sàng. Vì vậy, đầu tháng 12 này, một đoàn 12 doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tới Việt Nam để tìm cơ hội Franchise, trong đó có Which Wich, Vitamin Shoppe, AppleBee's, Melting Pot, Global Franchise Group, Pollo Tropical, Crestcom...

Chúng tôi sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nhân đã và đang kinh doanh franchise với các đối tác tiềm năng, để từ đó đánh giá, quyết định cơ hội hợp tác. Hiện đã có gần 40 doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký gặp gỡ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Kết quả của những buổi gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nhân hai nước, sẽ là bước khởi động cho các kế hoạch tương lai của các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn franchise ở Việt Nam.

* Tại sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ lại quan tâm đến chuyển nhượng thương mại ở Việt Nam vào thời điểm này?

- Hiện nay, Hoa Kỳ có 900 ngàn doanh nghiệp nhượng quyền trong 70 ngành nghề khác nhau, đóng góp 15% việc làm ở khu vực tư nhân. Trong khi 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp không tham gia franchise đều thất bại, thì tỷ lệ thành công trong số các doanh nghiệp tham gia nhượng quyền là 80%.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm những thị trường minh bạch, có thể dự báo được, có đối tác đáng tin cậy và có quy mô hợp lý. Vì vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tìm kiếm cơ hội để tăng doanh thu và tăng cường sự hiện diện thương hiệu của mình trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Theo thống kê, hai năm tới, số lượng người trong tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Thói quen tiêu dùng của những người này là giáo dục, đồ ăn/uống, chăm sóc sức khoẻ, phương tiện đi lại và các vật dụng cá nhân/gia đình.

Ngoài ra, Việt Nam ngày càng đón nhiều khách du lịch, việc chuyển nhượng thương mại sẽ góp phần tạo ra nhiều lựa chọn khác cho các du khách này, bởi họ thường tìm tới những thương hiệu đồ ăn, nhà hàng quen thuộc. Hiện tại, Việt Nam đã có 70 thương hiệu nước ngoài được đăng ký nhượng quyền.

Chúng ta vừa thấy chuỗi nhà hàng gà rán Kentucky KFC khai trương nhà hàng thứ 100. Quy mô thị trường ở Việt Nam thật sự đã sẵn sàng cho các thương hiệu lớn. Theo tôi, đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia vào thị trường franchise ở Việt Nam.

* Xin cảm ơn bà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét