Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thương vụ Google - Motorola sẽ làm dậy sóng thị trường di động

Google_AndroidViệc Google mua lại Motorola Mobility được cho là sẽ tạo ra một thế trận mới giữa các nhà sản xuất thiết bị di động.

Sốc. Không thể tin nổi. Thậm chí những nhà quan sát có tiếng trong ngành công nghệ cũng không thể giấu sự ngạc nhiên khi thương vụ được công bố vào ngày 15.8 rằng Google sẽ mua lại Motorola Mobility, nhà sản xuất thiết bị di động đã tách khỏi Motorola vào tháng 1.2011, với mức giá lên tới 12,5 tỉ USD. Thương vụ này được dự báo sẽ vẽ lại bản đồ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thiết bị di động.

Tăng cường vũ khí cho Android

Đối với Google, mặc dù phải tiêu hết 1/3 lượng tiền mặt trong thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của mình, nhưng Hãng sẽ trang bị được nhiều vũ khí cho Android trước cuộc chiến ngày càng gay gắt giữa các nền tảng di động.

Android là phần mềm di động đang được sử dụng trong hơn 150 triệu thiết bị di động và có tới 39 nhà sản xuất đã sử dụng Android cho thiết bị của mình. Phần mềm này cũng đã đem lại sự thành công cho rất nhiều hãng sản xuất, đặc biệt là Samsung (Hàn Quốc) và HTC (Đài Loan). HTC, từng chỉ là một nhà sản xuất theo hợp đồng vô danh, trong những năm gần đây đã trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới sau khi tung ra các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android như Evo và Thunderbolt. Trong quý II/2011, Công ty đã chiếm 11% lượng điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới, từ mức 6,8% cách đây 1 năm, theo hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC.

Tuy nhiên, thành công này cũng khiến các nhà sản xuất thiết bị Android phải đối mặt với các vụ kiện xâm phạm bản quyền sáng chế gia tăng từ phía Apple , Microsoft và các công ty khác. Vào đầu năm 2010, HTC đã đồng ý trả cho Microsoft tiền bản quyền để sử dụng sáng chế của công ty phần mềm này (theo một số ước tính, HTC đã trả 5 USD/thiết bị). Trong tháng 7.2011, Apple cũng thắng kiện HTC trong vụ kiện xâm phạm bản quyền. Samsung cũng đối mặt với các vụ kiện tranh chấp từ Apple.

Với việc mua lại Motorola, Google sẽ sở hữu một kho sáng chế lên tới 17.000 bản quyền và hơn 7.500 bản quyền khác đang chờ được phê duyệt. Điều này sẽ đem đến cho các nhà sản xuất thiết bị di động Android một vị thế tốt hơn nhiều trong các vụ kiện tụng tương lai và đặc biệt giúp họ có thêm vũ khí trong cuộc chiến giành thị trường với Apple.

Tổng Giám đốc Larry Page của Google cho biết: "Việc mua lại Motorola sẽ giúp tăng cường danh mục các bản quyền sáng chế và giúp chúng tôi có thể bảo vệ Android khỏi các mối đe dọa bản quyền từ Microsoft, Apple và các công ty khác".

Thế trận sẽ nghiêng về Motorola?

Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc Google thâu tóm Motorola đã mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất thiết bị di động trước Apple, nhưng cũng sẽ là mối đe dọa vì họ có thể sẽ vấp phải sự cạnh tranh cao hơn từ Motorola do Google sở hữu. Rất có thể các nhà sản xuất sẽ phản ứng lại bằng cách tìm đến các hệ điều hành khác hoặc tập trung phát triển hệ điều hành riêng.

Park Kang-ho, chuyên gia phân tích tại Daishin Securities, nhận xét: "Google chắc chắn sẽ có cơ chế đối xử đặc biệt với Motorola bằng cách giao cho Motorola phiên bản Android mới nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược kinh doanh của Samsung và LG vì làm trì hoãn quá trình tung ra các sản phẩm mới của họ".

Trước mối lo ngại trên, Tổng Giám đốc Larry Page tuyên bố: "Thương vụ này sẽ không thay đổi những cam kết của chúng tôi trong việc vẫn để Android là phần mềm mở miễn phí và Google sẽ điều hành Motorola như một bộ phận độc lập".

Hầu hết các nhà sản xuất điện thoại đều tin tưởng Page. David Chang, Giám đốc Tài chính Asus (Đài Loan), cho biết: "Chúng tôi tin rằng Google sẽ vẫn tiếp tục để Android là phần mềm mở miễn phí vì đó là điều đã đóng góp rất lớn vào sự thành công của Android ngày hôm nay".

Trong khi đó, đại diện của LG (Hàn Quốc) cho rằng, ở bên ngoài nước Mỹ, Motorola là người chơi tương đối nhỏ trên thị trường điện thoại thông minh, chỉ chiếm 4% thị trường toàn cầu. "Tại một số thị trường, chúng tôi vẫn cạnh tranh với Motorola nhưng Motorola sẽ chẳng bao giờ là một trong những đối thủ lớn hơn và mạnh hơn của chúng tôi", phía LG cho biết.

Aaron Jeng, chuyên gia phân tích tại Nomura (Nhật), cũng cho rằng thậm chí nếu Google ưu ái Motorola, điều đó cũng không đảm bảo làm nên 1 sản phẩm thành công. Điều này có thể thấy rõ vào đầu năm nay khi Google chọn Motorola để sản xuất chiếc Xoom, máy tính bảng đầu tiên sử dụng phiên bản Honeycomb mới của hệ điều hành Android. "Doanh số bán của chiếc Xoom rất tệ" ông Jeng cho biết.

Một điều nữa là các nhà sản xuất đã gặt hái quá nhiều thành công từ các sản phẩm sử dụng Android. Chẳng hạn, Android đã giúp Samsung tăng mạnh doanh số bán điện thoại thông minh. Trong quý II, Samsung đã bán được 19,2 triệu chiếc điện thoại thông minh, đem đến cho Hãng 17,5% thị phần, chỉ sau mỗi Apple (18,5% thị phần), theo hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics. Điều này có nghĩa họ sẽ khó buông Android.

Lee Seung-woo, chuyên gia phân tích tại Shinyoung Securities (Hàn Quốc), cũng nhận định, mặc dù HTC, Samsung và LG đã phát triển từ lâu các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành khác như Windows Mobile của Microsoft, nhưng "họ sẽ bám vào chiến lược hiện tại là tập trung vào điện thoại chạy hệ điều hành Android".

Một đợt sóng M&A mới sẽ xảy ra?

Thương vụ của Google cũng cho thấy tương lai của ngành di động. Khác với lĩnh vực máy tính cá nhân (phần mềm – tức hệ điều hành - có thể được phát triển bởi một số công ty, chủ yếu là Microsoft và còn phần cứng – tức máy tính - có thể được các công ty khác như Dell, HP, Acer sản xuất), lĩnh vực thiết bị di động lại đòi hỏi sự tích hợp sâu hơn giữa phần mềm và phần cứng. Nghĩa là chúng phải đi chung 1 gói và do một công ty duy nhất làm cả 2 phần. Đây là cách tiếp cận của Apple, vốn đem đến cho Hãng vị thế độc tôn trên thị trường di động. HP cũng có hệ điều hành di động riêng của mình là WebOS. Google dường như đang đi theo con đường này và các công ty khác có thể sẽ theo chân.

Vào đầu năm nay, Microsoft đã bắt tay với Nokia để nhà sản xuất di động phần Lan này sử dụng hệ điều hành Windows của Hãng. Và không có gì là không thể nếu Microsoft dự tính bước một bước xa hơn nữa. Có thể thấy, sau khi thương vụ Google và Motorola Mobility được công bố, giới phân tích bắt đầu cho rằng Microsoft có thể sẽ mua lại RIM (Canada), nhà sản xuất điện thoại thông minh BlackBerry và sẽ có thêm những thương vụ tương tự như vậy.

- Đàm Hoa -

(Phương Trinh -

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét