Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Mua bán, sáp nhập hấp dẫn nhà đầu tư

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế vĩ mô VN vẫn có những khó khăn nhưng nhiều chuyên gia, quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng VN vẫn là địa điểm hấp dẫn, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập...

Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: L.N.

Hội nghị đầu tư VN (Vietnam Investment Summit) do Công ty Terrapinn (Singapore) tổ chức diễn ra trong hai ngày 19 và 20/10 tại TP.HCM đã bàn về những tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, du lịch...

Điểm đến hấp dẫn

Tại hội nghị, ông Tomoyuki Kimura, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, khẳng định VN vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi còn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đang lên kế hoạch cổ phần hóa.

Thông qua quá trình cổ phần hóa này sẽ mở rộng hơn cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư tư nhân tham gia, đặc biệt trong phương thức đầu tư công tư (PPP) của lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng tại VN.

Ông Kimura thông báo đến cuối năm 2020 việc kết nối cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong (GSM) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Theo đó sẽ có chín hành lang đường bộ kết nối từ Đông sang Tây, Bắc - Nam giữa các quốc gia GSM, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được thiết lập... tạo điều kiện kinh doanh, đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Theo ông Kimura, hệ thống đường bộ từ TP.HCM sang Phnom Penh đã cải thiện nhiều, giảm ít nhất 30% thời gian đi lại so với trước kia.

Các quỹ đầu tư tham gia hội nghị đều nhận định giá trị đầu tư ở VN hiện nay còn thấp so với các quốc gia trong khu vực. Ông Srisant Chitvaranund (Quỹ Aureos Capital, Thái Lan) phân tích so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, VN còn cả một "phi đạo" dài để phát triển.

"Đây sẽ là thời điểm tốt để các nhà đầu tư, quỹ tham gia bỏ vốn vào thị trường VN khi mà các doanh nghiệp vốn nhà nước sẽ phải cổ phần hóa" - ông Srisant Chitvaranund chia sẻ.

"Trâu chậm uống nước đục"

Lĩnh vực mua bán, sáp nhập sẽ là một trong những ưu tiên và quan tâm của các quỹ đầu tư thời gian tới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kevin Snowball, giám đốc Công ty quản lý tài sản PXP (VN), cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn đang quan sát VN vì ngoài những yếu tố vĩ mô: lạm phát tăng cao, lãi suất cao... còn có nguyên nhân quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn trong các công ty cổ phần, thị trường còn nhỏ, tính thanh khoản thấp.

"Nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ nếu chờ các yếu tố vĩ mô thật ổn định, chỉ số VN-Index tăng trở lại mới đầu tư thì có thể lúc đó đã là "trâu chậm uống nước đục" vì hiện nay đã có những tín hiệu tốt" - ông Snowball chia sẻ.

Ông Bolat Duisenov (đại diện quỹ đầu tư đến từ Kazakhstan) cho rằng thị trường VN vẫn còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng: "Người VN còn giữ ngoại tệ và vàng trong nhà, khi cảm thấy có những tín hiệu kinh tế tốt họ sẽ chi tiêu, mua sắm. Đó sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư như chúng tôi".

Andy Ho, giám đốc đầu tư kinh doanh của Vinacapital, cho biết VN là một trong những thị trường đang phát triển nên trong vòng 5-15 năm tới vẫn sẽ tăng trưởng tốt.

Bà Phạm Vũ Thanh Giang, Quỹ Mekong Capital, cho biết nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến hầu hết các danh mục đầu tư của quỹ, trong khi đó nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến sản xuất công nghiệp, nguyên liệu, nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm đến giáo dục, hàng tiêu dùng.

Theo ông Srisant Chitvaranund, tình hình lũ lụt ở Thái Lan vừa qua đã buộc các nhà đầu tư Nhật Bản phải đẩy nhanh hơn kế hoạch chuyển các nhà máy của họ ở Thái Lan qua VN.

Ông cho biết có thể chuyện này sẽ xảy ra trong vòng 3-4 năm nữa, nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra vừa qua đã buộc các nhà đầu tư này phải quyết định nhanh hơn, thậm chí là ngay lập tức di dời và đã có những động thái thuê mướn các công ty phục vụ hậu cầu (logistics) lên kế hoạch cho chuyện này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét