Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Dấu hỏi đằng sau một thương vụ bất ngờ với DN Trung Quốc

Giữ vị trí thống lĩnh thị trường chăn nuôi VN, nên sự kiện Công ty CP (Charoen Pokphand) Việt Nam"bị" bán 70,82% cổ phần cho CP Trung Quốc khiến không ít người đặt dấu hỏi về thương vụ bất ngờ này.

Trụ sở Công ty CPVN tại Đồng Nai

Ngày 15/8, lãnh đạo Công ty CP Việt Nam (CPVN) đã giải thích câu chuyện bán cổ phần chỉ đơn giản là thay đổi về tổ chức, không liên quan đến chiến lược kinh doanh của công ty, cũng không có chuyện quyền chi phối thị trường chăn nuôi Việt Nam được chuyển sang tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Bất ổn nguồn nguyên liệu

CPVN cho rằng, việc mua bán chỉ là chuyển giao từ công ty mẹ (Tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan – CPG) sang công ty con đặt trụ sở tại HongKong. Trị giá cổ phần trong thương vụ này là 609 triệu USD.

Từ đây, CP Trung Quốc (CPP), doanh nghiệp đang đứng đầu thị trường Trung Quốc, sẽ nắm giữ khả năng kiểm soát vai trò phát triển tại thị trường chăn nuôi Việt Nam.

Tại Việt Nam, CPVN đang dẫn đầu với 20% thị phần thức ăn gia súc thương mại, 5% thị phần thịt heo, 40% gà công nghiệp và khoảng 50% thị phần trứng gà. Tổng doanh thu năm 2010 của CPVN đạt 1,1 tỷ USD. Với quy mô như vậy, CP được xem là "ông lớn" tại thị trường chăn nuôi trong nước.

Vì vậy, khi 71% cổ phần của CPVN được bán cho CPP, nhiều người đặt nghi vấn, thậm chí đưa ra nhiều giả thiết, như sau giữ khả năng kiểm soát, CPP sẽ dễ dàng thâu tóm nguyên liệu sắn lát, cám gạo… các sản phẩm chăn nuôi (thịt heo, gà…) từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi trong nước, đẩy giá lên cao. Lo ngại này được xem là có cơ sở, vì trong thời gian qua, các thương nhân từ Trung Quốc đẩy mạnh mua sắn lát tại Việt Nam, đồng thời giai đoạn giá heo tại Trung Quốc tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, thương lái lại ồ ạt đưa heo lên biên giới phía Bắc xuất bán hưởng chênh lệch…

Ở đâu cũng là CP?

Ông Sooksunt Jiumjaiswang Lerg, Tổng giám đốc CPVN, khẳng định, việc mua bán chỉ là sự chuyển giao vốn giữa các công ty trong tập đoàn, nhằm hướng tới việc thuận lợi huy động vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vì CPP đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán HongKong. Về bản chất, CP ở Trung Quốc hay Việt Nam vẫn thuộc về một chủ sở hữu là công ty mẹ tại Thái Lan.

"Trước đây, CPVN mở rộng đầu tư và tái đầu tư từ nguồn vốn vay ở Thái Lan và lãi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do hiện nay tốc độ đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam quá nhanh, việc cung ứng vốn từ các nguồn này không kịp thời, nên cần đến huy động từ thị trường chứng khoán", ông Sooksunt Jiumjaiswang Lerg giải thích.

Tổng giám đốc CPVN cũng khẳng định, doanh nghiệp không hề bị bán cho người Trung Quốc, toàn bộ vẫn thuộc quyền điều hành từ CP Group. Vì vậy không có chuyện dùng CPVN hỗ trợ nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi cho CP Trung Quốc. Đến nay, ngoài mặt hàng tôm ra, CP chưa xuất bất cứ một sản phẩm chăn nuôi nào sang Trung Quốc.

"Công ty vẫn tiếp tục thực hiện chính sách không ngừng mở rộng kinh doanh và phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn tiên tiến, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Mọi nghĩa vụ về thuế khi thực hiện mua bán giữa công ty mẹ và công ty con sẽ theo pháp luật của Việt Nam".

Trước thông tin thời gian gần đây, những hộ nuôi gia công cho công ty CP phải mua thiết bị bắt buộc từ chính công ty với giá cao hơn hẳn sản phẩm cùng loại bán trên thị trường; gà đến thời kỳ xuất chuồng công ty không cử người đến bắt khiến chi phí phát sinh tăng cao; gà giống chất lượng kém; nhiều công ty giảm giá thức ăn chăn nuôi nhưng CP thì không… Lãnh đạo CP ngày 15/8 cũng thừa nhận, đây là những sai sót khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, giá bán thiết bị của doanh nghiệp này có cao hơn, nhưng không cao hơn mức 30% như phản ánh, do thiết bị sản xuất của CP phải dựa trên yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, giá thành cao hơn (?!). Với những trường hợp để gà quá lứa, CP đã và đang hỗ trợ các trại nuôi bù đắp chi phí hao hụt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét