Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

CFO trong M&A

Chiến lược doanh nghiệp (DN) là một phần quan trọng của quá trình cổ phần hóa hay trong các vụ mua bán sáp nhập (M&A). Chính những giám đốc tài chính (CFO) trở thành nhân tố quan trọng trong việc tạo lập ra những chiến lược mới.

Ông RICK PAYNE - Giám đốc Chương trình Định hướng tài chính doanh nghiệp - ICAEW

Khi quyền sở hữu và chiến lược DN thay đổi, CFO cần phải bảo đảm hệ thống quản trị thông tin và đo lường chất lượng phải bám sát với định hướng của DN mới. Trong thời điểm diễn ra những thay đổi từ cổ phần hóa, những yêu cầu thay đổi nếu bị coi nhẹ sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

Báo cáo gần đây của Công ty Kiểm toán PwC cho biết, có tổng cộng 345 giao dịch mua bán và sát nhập ở Việt Nam trong năm vừa qua, tăng 59% về giá trị và 17% về số lượng.

Tuy nhiên, không ít DN thất bại sau các giao dịch đó vì không hiểu về văn hóa DN của nhau. Trong khi đó, CFO cũng đóng vai trò không kém trong việc chuyển tiếp về văn hóa DN.

Đồng bộ hóa các con số của hai DN là việc thường xuyên diễn ra trong các thương vụ sát nhập và mua lại. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản và không thể thay đổi một sớm một chiều.

Hơn nữa, nếu việc sát nhập và mua lại không đúng ngay từ ban đầu, hoặc các bộ phận khác không làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình thì CFO không thể nào xoay chuyển mọi việc một mình một cách hiệu quả.

Hiện tại, phần lớn các thương vụ sát nhập và mua lại đều diễn ra ở DN nhỏ và vừa. Đây là các DN có tầm nhìn định hướng hạn chế. CFO cần phải thay đổi điều này và nhiệm vụ của CFO có thể được thực hiện qua các buổi thảo luận của ban giám đốc liên quan đến tầm nhìn và định hướng.

CFO ở một vị thể rất tốt để hiểu về những gì đang diễn ra trong DN vì phần lớn các quyết định và hoạt động của DN đều ảnh hưởng đến tình hình tài chính.

Hiện nay có sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong bộ phận tài chính. Cho dù DN muốn tuyển dụng nhân viên tài chính chuyên nghiệp những cũng khó tìm ra người phù hợp.

Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, DN có rất nhiều phương thức để quản lý vấn đề tài chính. Đôi khi quản lý chiến lược và tài chính có thể do người quản lý quán xuyến với sự hỗ trợ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính bên ngoài.

Tuy nhiên, khi DN phát triển thì thiết lập một phòng tài chính chuyên nghiệp là yêu cầu phải thực hiện sớm. Nếu không có một phòng tài chính chuyên nghiệp thì việc tiếp cận vốn sẽ khó khăn hơn và sẽ tạo ra nhiều quan tâm từ các nhà quản lý công.

Cũng phải nói thêm rằng các nhân viên tài chính có năng lực thì sẽ giúp được DN phát triển cấu trúc vốn hợp lý hơn, quản lý dòng tiền hiệu quả hơn và đưa ra những quyết định tốt hơn.

CFO ở Việt Nam cần phải lĩnh hội được các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Đầu tiên cần phải biết được những đòi hỏi về vai trò của mình ra sao.

Điều này không đơn giản vì có rất nhiều chuẩn mực trong lĩnh vực này phải được học hỏi, bên cạnh đó là những tranh luận trong việc lựa chọn những chuẩn mực phù hợp và việc phát triển không ngừng của nó. Học trong lúc làm, tuyển dụng nhân viên có kinh nghiệm quốc tế, trao đổi với đồng cấp ở nước ngoài, hay tham gia các hội thảo có các diễn giả uy tín.

Lựa chọn các phương thức tài chính phù hợp đòi hỏi những tính toán cẩn thận và phải tính đến những thiệt và hơn. Thay đổi từ hệ thống này sang hệ thống khác sẽ có những ảnh hưởng đến nhân viên trong cả DN và thay đổi đó sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Sẽ không có một giải pháp nào là phù hợp cho mọi hoàn cảnh nên một CFO thực tài và một bộ phận tài chính hiệu quả sẽ giúp phân tích được tình hình cụ thể và từ đó có thể đưa ra những giải pháp hợp lý nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét