Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

M&A: Sao cho thuận mua, vừa bán?

Tại cuộc tọa đàm "M&A - Những thách thức và lưu ý quan trọng" do Viện Marketing và Quản trị Việt Nam phối hợp với Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này không dễ để thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).

Rộn ràng bán mua

Những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam khá cao và luôn ở mức trên 30%.

Thống kê của Công ty Kiểm toán PWC cho thấy, năm 2010, lượng giao dịch M&A ở Việt Nam đạt tổng giá trị 1,75 tỷ USD, với 345 giao dịch, tăng 59% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng các giao dịch tăng lên mạnh mẽ. Hàng loạt các thương vụ lớn đã được công bố như Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria, TH Milk mua lại nhà máy đường Nghệ An Tate & Lyle, và mới đây là các thương vụ của Giấy Sài Gòn, ICP, Quạt Asia...

Theo ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Ernst&Young Việt Nam, có nhiều lý do khiến DN thực hiện M&A, tại Việt Nam, hầu hết các thương vụ mà bên bán đa phần thuộc về các DN trong nước.

Do khó khăn, các DN trong nước muốn tìm kiếm nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, "người đồng hành" để vượt qua trở ngại. Thậm chí, nhiều DN vì quá mệt mỏi với công việc hiện tại muốn bán công ty để tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực khác... Đây chính là nguyên nhân và cũng là cơ hội để hoạt động M&A ngày càng sôi động.

Theo các chuyên gia, dù sôi động nhưng không phải dễ khi chọn giải pháp M&A trong thời điểm hiện nay. Bởi vì, sau khủng hoảng, nợ công ở các quốc gia vẫn còn nhiều, việc bán cổ phần hoặc tìm các đối tác là các tổ chức nước ngoài rất khó khăn.

Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán DTL, cho rằng, trở ngại lớn nhất trong hoạt động M&A là do yếu tố con người, văn hóa công ty, bộ máy và hệ thống quản trị DN. Khó khăn này hầu như xuyên suốt quá trình trước, trong và sau M&A và cũng là yếu tố rủi ro nhất cho DN.

Ngoài ra, các hoạt động điều tra pháp lý, tài chính, thương mại... nếu thực hiện không đầy đủ và thích đáng sẽ dẫn đến đánh giá sai tình trạng pháp lý và tài chính của công ty mục tiêu cũng như giá trị của công ty mục tiêu. Ở Việt Nam, các thông tin về DN không được công khai và cũng không có một cơ quan trung gian nào có được những thông tin đầy đủ về DN (về tình trạng tranh chấp, các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước...) nên bên bán rất khó khăn trong việc tìm hiểu bên mua.

Thống kê trên thế giới cho thấy, có đến 80% các thương vụ không đạt được hợp lực như mong đợi, 50% giao dịch làm giảm giá trị cổ đông và các giao dịch trở nên phức tạp hơn.

Thật thà là cha quỷ quái

Ông Lâm cho biết, do khó khăn nên các giao dịch mua bán cũng tốn nhiều thời gian hơn. Nếu như năm 2006 - 2007, một giao dịch chỉ mất khoảng 2 - 3 tháng thì nay có khi phải đến cả năm mới xong.

Ông Nguyễn Công Hạo, Chuyên viên đầu tư Qũy đầu tư AIM Capital, cho rằng, để có một thương vụ M&A thành công, bản thân các DN cần đầu tư công sức, chi phí nhiều hơn ngay từ giai đoạn tiền M&A. Trong đó, cần tập trung làm rõ giá mua, bán một DN như thế nào được coi là hợp lý; phương thức quản trị, chiến lược hoạt động của DN sau khi M&A...

Thống kê của Công ty Kiểm toán PWC cho thấy, năm 2010, lượng giao dịch M&A ở Việt Nam đạt tổng giá trị 1,75 tỷ USD, với 345 giao dịch, tăng 59% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Cần phải có chiến lược rõ ràng ngay từ đầu. DN đừng đợi đến khi cần tiền mới bắt tay vào làm, như vậy sẽ xảy ra những thiếu sót, không thể hiện được những yếu tố lợi thế của DN.

Các chuyên gia khác cũng đồng ý với ý kiến này và khuyên rằng, khi giới thiệu, DN không nên che đậy những khoản nợ, những khoản thiếu thuế hay thổi phồng tài sản...

Những điều này trước sau gì đối tác sẽ tìm ra. "Không có minh bạch, trung thực thì việc liên doanh khó tồn tại lâu dài. Khi nhà đầu tư đã mất niềm tin thì sớm muộn gì họ cũng bỏ chạy", ông Lâm khẳng định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm tốt để M&A. Tuy nhiên, do DN trong nước đa phần là DN nhỏ và vừa nên rất cần vai trò của nhà tư vấn.

"Các thương vụ M&A lớn không thể nào thiếu vai trò của các nhà tư vấn tài chính, kiểm toán, luật sư... Các đối tác tư vấn có uy tín sẽ giúp làm tăng giá trị DN", ông Alex Châu Nhi Quang, Giám đốc Công ty DBJ Singapore Ltd., thông tin. Thông thường, DN phải nhờ đến tư vấn về pháp lý, về ngân hàng đầu tư, về kiểm toán, về định giá, về thông tin đại chúng...

Tuy nhiên, tùy theo giai đọan và tùy theo quy mô họat động mà tìm những nhà tư vấn thích hợp. Và quan trọng nhất là DN phải chuẩn bị đầy đủ và hiểu rõ những chướng ngại vật để không mất nhiều thời gian và tiền bạc cho một họat động không hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét