Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Mua Franchise cần lưu ý gì?

Nhượng quyền thương mại (NQTM) được xem là hình thức đầu tư hiệu quả và an toàn trong kinh doanh. Đây là cơ hội mới cho những ai muốn chiếm lĩnh thị trường, phát triển thương hiệu một cách nhanh chóng.

Nhượng quyền thương mại (NQTM) được xem là hình thức đầu tư hiệu quả và an toàn trong kinh doanh. Đây là cơ hội mới cho những ai muốn chiếm lĩnh thị trường, phát triển thương hiệu một cách nhanh chóng.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán NQTM là xu thế tất yếu của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, không có gì là xa vời nếu một ngày nào đó bỗng chốc bạn muốn "sở hữu" một cửa hàng đóng mác McDonald's hay Kentucky Fried Chicken. Chỉ cần bạn lưu ý một số điều cơ bản sau:

Pháp lý hợp đồng:

FRANCHISE: đang là thời sự nóng, những luật lệ kinh doanh trong nhượng quyền ở Việt Nam mới chỉ có Nghị định 35/2006/NĐ-CP, chưa rõ ràng và chưa lường hết các mối quan hệ phức tạp trong franchise. Do đó cả bên bán lẫn bên mua franchise đều cần sự am hiểu và thận trọng cần thiết trước khi đặt bút kí vào một hợp đồng mua - bán franchise.

1.  Hãy đọc tài liệu mà người bán franchise phải công bố cho người mua franchise (Uniform Franchise Offering Circular – viết tắt là UFOC). Bạn sẽ biết thêm về lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu định mua, cách thức đào tạo nhân viên cũng như chiến lược marketing, tất cả các loại "tiền" mà bạn phải trả. Những gì "khám phá" khi  đọc UFOC có thể giúp bạn loại bớt những hợp đồng không tiềm năng.

2 . Hoạt dộng NQTM phải được hợp thành hợp đồng theo đúng trình tự và luật pháp Việt Nam cụ thể là Nghị định của Chính phủ quy định về franchise. Hợp đồng franchise đúng nghĩa hiện nay phải căn cứ theo Luật thương mại (được thông qua tháng 6 năm 2006)

3 . Bên nhượng quyền phải lập bản giới thiệu về NQTM của mình cho bên dự kiến nhận nhượng quyền ít nhất 15 ngày trước khi kí kết hợp đồng. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về NQTM do Bộ Thương mại quy định và công bố.

4.  Khi soạn thảo hợp đồng phải hết sức cẩn trọng, chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Có 4 rủi ro cho hợp đồng franchise, đặc biệt là khi không đăng ký. Đó là khả năng vô hiệu hợp đồng, không lấy được tiền bản quyền, không tính được phí chuyển nhượng và phạt hợp đồng.

5 . Hợp đồng luôn được soạn thảo bởi bên bán franchise nên có khuynh hướng bảo vệ lợi ích của thương hiệu. Do đó, người mua franchise nên thông qua một văn phòng luật sư để tư vấn hoặc hỗ trợ đàm phán các hạng mục trong hợp đồng trước khi quyết định.

6.  Nghiên cứu kĩ các điều khoản trong hợp đồng: quy định về địa điểm, đầu tư, vận hành sản phẩm, các yêu cầu về huấn luyện, kiểm tra, bảo trì, bảo hiểm tài sản, nhân viên… Từ đó đối chiếu lại với các điều kiện của mình để đưa ra câu hỏi cho nhà nhượng quyền và lắng nghe trả lời.

7 . Phân biệt rõ hợp đồng franchise hay chỉ là hợp đồng cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hợp đồng thương mại… để có những quy định cụ thể và xác định cơ quan Nhà Nước sẽ phải đến để đăng ký hợp đồng.

8 . Nhất thiết phải đăng ký hợp đồng tại các cơ quan Nhà Nước để đảm bảo giá trị. Chẳng hạn, hợp đồng franchise thuộc loại chuyển giao công nghệ sẽ phải đến đăng ký tại Bộ công nghiệp.

9. Khi liên quan đến bất cứ những gì ràng buộc về pháp lý thì nội dung phải trình bày rõ ràng. Người mua nên đọc kỹ từng chữ và hiểu rõ  nội dung hợp đồng.

10. Khi đàm phán nên tập trung vào những hạng mục có tiềm năng đàm phán được. Các hạng mục sau đây được xem là rất khó đàm phán: Phí franchise  ban đầu, phí duy trì thương hiệu hàng tháng, thời hạn hợp đồng, các điều khoản hủy bỏ hợp đồng…

11 . Tất cả những hạng mục mà bên bán franchise đồng ý điều chỉnh hay bổ sung (nếu có) phải được chỉnh sửa, cập nhật cẩn thận đến từng chữ, từng dòng.

12 . Khi ký tên vào hợp đồng, người mua franchise nên ghi rõ ngày ký ngay phía dưới bên cạnh chữ ký.

13. Trong quá trình hoạt động, bạn phải tuân thủ việc giữ uy tín và sự thống nhất của hệ thống, nếu không, bạn sẽ bị kiện vì vi phạm bản quyền.

Những lưu ý trên đây rất có ích cho người mua franchise!

Vốn đầu tư

Thông thường, doanh nghiệp franchise chỉ chuyển giao mô hình kinh doanh, hỗ trợ về quy trình quản lý, quảng bá thương hiệu… hầu như mọi chi phí khác đều do bên mua franchise đảm nhiệm. Những chi phí đó có thể lên rất cao mà đôi khi phải mất mấy năm mới khấu hao hết. Vì vậy, trước khi muốn mua franchise, doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ tất cả các khoản chi phí để có quyết định đúng đắn.

- Phí nhượng quyền ban đầu: phí hành chính chuyển giao công thức kinh doanh, đào tạo, hõ trợ chọn địa điểm. Nó không bao gồm việc cung cấp những vật dụng cố định, đồ đạc hay bất động sản. Bên mua franchise phải thanh toán một lần và không được hoàn lại.

- Phí hàng tháng: duy trì sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu, dịch vụ hỗ trợ… Mức phí do các bên thỏa thuận, thường dựa trên một tỉ lệ phần trăm của doanh số bán, cũng có thể là một con số cụ thể.

- Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực: chi phí để vận hành doanh nghiệp mới thành lập, bao gồm: mua sắm các máy móc, thiết bị, mua hàng trữ sẵn trong kho.

- Chi phí hoàn tất tài liệu pháp lý.

- Chi phí quảng cáo: nhiều người mua franchise buộc phải đóng góp thường xuyên vào ngân quỹ quảng cáo cho bên bán franchise, trong khi bên này được toàn quyền quyết định việc quản lý, sử dụng ngân quỹ.

Theo tính toán, để mở một franchise doanh nghiệp cần khoảng 200.000USD (giá trung bình), trong đó, chi phí khởi sự khoảng từ 10 – 25.000 USD. Ví dụ phí chuyển nhượng  một cửa hàng kem Carvel của Mỹ là 25.000USD, Carvel lưu động là 15.000 USD.

Tuy nhiên, đối với những thương hiệu có kế hoạch phát triển mạnh thì chi phí đầu tư ban đầu sẽ không dưới 100.000USD. Thêm vào đó, một khi cộng các chi phí in ấn, kiểm toán, tiếp thị và lương nhân viên, chủ thương hiệu cần có số vốn không dưới 250.000USD để thực hiện mục tiêu của mình. Chẳng hạn để mua franchise của phở Hòa (một thương hiệu phở khá nổi tiếng ở nước ngoài do Việt kiều làm chủ) người đăng ký phải có tối thiểu 350 ngàn USD để đầu tư. Hoặc nếu muốn làm chủ một nhà hàng fastfood nổi tiếng McDonald's, bạn phải trả phí franchise khoảng 150 ngàn USD (không được vay mượn). Tuy nhiên, tổng chi phí thực tế có thể từ 430 ngàn đến 750 ngàn USD. Số tiền này dành cho việc xây cất nhà, mua sắm các trang thiết bị… Thông thường, 40% tổng chi phí phải trả là tiền tự có (không đi vay).

Phí nhượng quyền của các thương hiệu Việt Nam hiện chỉ khoảng 10.000 USD/cửa hàng, khá thấp so với mua franchise từ các nước khác. Tổng chi phí đầu tư cho cửa hàng Phở 24 tại Việt Nam khoảng 50.000 – 60.000USD bao gồm phí nhượng quyền, chi phí xây dựng cải tạo mặt bằng, mua sắm trang thiết bị. Tương tự, để làm chủ một cửa hàng bánh Kinh Đô, phải đảm bảo số vốn 700 triệu đến 1 tỉ đồng.

Thông thường các công ty franchise có sẵn một khoản vay lợi tức thấp cho doanh nghiệp mở franchise (các khoản trả chậm và hỗ trợ tài chính). Chẳng hạn thương hiệu bán lẻ 7-Eleven's có chương trình "Tự mình làm chủ" hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu chỉ mở franchise là một cửa hàng nhỏ hoặc một ki-os thì giá trung bình là 3.000 – 5.000USD.

Bạn có thể vay vốn ngân hàng khi nhận quyền thương mại từ đối tác khác. NQTM có độ rủi ro không lớn như tự đầu tư nên rất được ngân hàng quan tâm. Đây là một lợi thế từ franchise.

Địa điểm:

Yếu tố vị trí hay địa điểm mặt bằng kinh doanh đóng vai trò quyết định trong việc thành bại. Cho dù mô hình kinh doanh của hệ thống franchise có tuyệt vời đến đâu, nếu chọn sai vị trí thì gần như chắc chắn sẽ nắm phần thất bại. Một vị trí thuận lợi cần đảm bảo ít nhất các đặc điểm sau:

- Dễ thấy, dễ tìm: Nếu khách hàng không nhìn thấy bảng hiệu từ xa, họ sẽ không tìm ra cửa hiệu nên có thể sẽ đi luôn hoặc trầm trọng hơn là đi nhầm vào cửa hàng khác. Và hầu hết những người khách "đi nhầm" này sẽ trở thành khách hàng trung thành của đối thủ cạnh tranh!

- Thuận tiện: Nhiều cửa hiệu rất đẹp, rất tốt nhưng nằm ở vị trí không thuận tiện nên thất bại hoặc không thành công như mong muốn. Cửa hiệu tọa lạc trên con đường một chiều (đặc biệt là bên luồng đường xe hơi) sẽ gây khó khăn cho khách hàng đi xe gắn máy. Bãi giữ xe cũng là một yếu tố quyết định, nhất là đối với Việt Nam.

- "Hàng xóm" tốt và phù hợp: Một nhà hàng cao cấp thì không thể nằm trong một khu vực quá bình dân hoặc ngược lại.

- Tâm lý khách hàng: Khách hàng có khuynh hướng ngại đến các nhà hàng, dịch vụ giải trí nằm gần các cơ quan chức năng hay cộng đồng như công an phường, tòa án, bệnh viện, trường học, nhà trẻ…

- Số lượng cửa hàng cùng thương hiệu: Quá nhiều cửa hàng nhượng quyền của một thương hiệu cùng tọa lạc trong một khu vực sẽ dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và hiệu quả kinh doanh không cao.

Thông thường, song song với việc hỗ trợ đào tạo nhân viên, bên bán franchise sẽ hỗ trợ tìm địa điểm bằng cách tư vấn khu vực nào thích hợp với mô hình của mình, khảo sát mặt bằng… Và nếu đánh giá mặt bằng đó không thích hợp thì dù hai bên có đàm phán sâu tới đâu cũng chưa thể đi đến quyết định cuối cùng được.

Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về franchise. Tuy đơn giản nhưng nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình lựa chọn và mở một cửa hàng nhượng quyền. Điều quan trọng là cách thức mà bạn quản lý, điều hành cửa hàng ấy như thế nào, cũng như sự hợp tác giữa bạn và phía nhượng quyền vì sự thống nhất và uy tín của thương hiệu, để cùng tạo sự tăng trưởng vững mạnh cho thương hiệu đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét