Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Hạn chế rủi ro khi nhận quyền thương hiệu

Trước khi ký hợp đồng nhận quyền thương hiệu, các doanh nghiệp nên sang tận nơi, đến tận cửa hàng để tìm hiểu cách làm ăn của bên nhượng quyền.

Trước khi ký hợp đồng nhận quyền thương hiệu, các doanh nghiệp nên sang tận nơi, đến tận cửa hàng để tìm hiểu cách làm ăn của bên nhượng quyền.

Theo phân tích của chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu (NQTH), nguyên nhân gây ra tranh chấp trong quan hệ nhượng quyền chủ yếu từ bên nhận quyền chiếm 50% so với bên nhượng quyền là 25% và dĩ nhiên là bên nhận quyền cũng chịu nhiều rủi ro hơn do thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.

Không phải hợp đồng nào cũng thành công

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong những năm sắp tới, NQTH sẽ phát triển rất mạnh tại VN vì người tiêu dùng ngày càng muốn tiếp cận với những thương hiệu quốc tế có chất lượng cao. Không chỉ dừng lại ở các thương hiệu ẩm thực, NQTH sẽ phát triển ở những lĩnh vực như du lịch, thời trang, giáo dục...

Tuy nhiên, theo khẳng định của tiến sĩ Lê Nết, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, không phải tất cả các vụ NQTH đều đem lại sự thành công giống như KFC – một thương hiệu quen thuộc tại VN vì rất nhiều thương hiệu khi tham gia thị trường VN đã không phát huy được thế mạnh do không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Biết là vậy nhưng hiện nay doanh nghiệp (DN) VN trong vai trò là bên nhận quyền thường làm theo phong trào, chưa có sự tính toán, nghiên cứu kỹ về sản phẩm nhượng quyền, mức độ phù hợp của sản phẩm đó với thị trường. Cứ nghe thấy NQTH là nghĩ rằng chắc chắn thành công và làm mọi giá để sở hữu được thương hiệu đó nên nguy cơ rủi ro rất cao.

Mặt khác, bên nhận quyền thương hiệu phải yêu cầu bên nhượng quyền cung cấp những thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực ăn uống vì đây là điều kiện quan trọng mà bên nhận quyền được sở hữu. Một luật sư tại TPHCM kể lại: "Trong một vụ tranh chấp NQTH, một DN VN đã kiện bên nhượng quyền không chia sẻ thông tin chế biến sản phẩm khiến cho DN này hoạt động thua lỗ. Lúc này bên nhượng quyền trả lời vì là "bí quyết riêng" nên không thể chia sẻ được. Đây là cách ngụy biện của bên nhượng quyền vì theo quy định, bên nhận quyền được hưởng quyền lợi trên nhưng do không hiểu biết nên khi ký hợp đồng đã bỏ qua điều khoản này. Cuối cùng, DN nhận quyền phải... đóng cửa".

Phải được "độc quyền" trong thời gian nhất định

Luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Việt, cho rằng đối với quan hệ NQTH thì điều khoản nhượng quyền độc quyền là quan trọng nhất. Giai đoạn đầu là thời điểm khó khăn trong việc tiếp cận thị trường; để không bị cạnh tranh, bên nhận quyền nên đề nghị được nhượng quyền độc quyền trong một thời hạn nhất định để ổn định kinh doanh và có thể thu hồi vốn đầu tư. Trong thời điểm này, bên nhượng quyền không được ký hợp đồng song song với một đối tác nào khác. Bên nhận quyền nên kiểm tra xem bên nhượng quyền có quyền sở hữu NQTH hay không vì thực tế đã có một DN nước ngoài sang VN để nhượng quyền cho một DN trong nước. Chỉ khi kiểm tra về mặt pháp lý mới phát hiện rằng DN nước ngoài cũng chỉ là một đơn vị nhận quyền và được quyền nhượng quyền cho một DN khác nhưng quan hệ nhượng quyền này chỉ được diễn ra trong lãnh thổ mà thôi.

Luật sư Cảnh cũng cho rằng điều khoản thanh toán cũng là một điểm mà các DN nhận quyền nên lưu tâm. Cần làm rõ chi phí nhượng quyền sẽ được thanh toán trọn gói một lần hay được chia thành nhiều giai đoạn với tỉ lệ tăng, giảm ra sao; phải được hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ bên nhượng quyền như: kỹ thuật chế biến món ăn, trang trí nội thất, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất, giải quyết sự cố xảy ra...; có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không đạt hiệu quả kinh tế. Khi xảy ra tranh chấp, sẽ giải quyết ở trọng tài kinh tế hay tòa án...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét