Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Bán hàng đa cấp, một phương thức bán hàng tiên tiến hay một trò lừa bịp???

Chúng ta đã được nghe nói nhiều đến hình thức "hợp tác tiêu thụ" hay "bán hàng đa cấp", "bán hàng theo mạng lưới"…(ở nhiều nước còn gọi là "bán hàng kim tự tháp"). Trong thời gian gần đây, tại Việt nam hình thức này đã phát triển với tốc độ khá nhanh. Ở đó, công ty tiêu thụ sẽ thiết lập một mạng lưới thành viên tham gia và các thành viên hoạt động dựa trên phần thù lao (hoa hồng) mà công ty trả cho họ nếu giới thiệu thêm được thành viên mới, hoặc bán được hàng.

Chẳng hạn, nếu bạn là thành viên (tầng 1) của công ty, và bạn bán được sản phẩm thì bạn sẽ được hưởng thù lao trực tiếp, còn nếu không bạn có thể giới thiệu thêm người thứ 2 tham gia vào mạng lưới (được gọi là tầng 2) thì bạn sẽ được hưởng thù lao gian tiếp, và cứ thế, cứ thế, nếu bạn giới thiệu được càng nhiều người tham gia thì bạn sẽ có mức thù lao tích luỹ càng lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số công ty đang biến tướng hình thức này để thu lợi bất chính.

Để được là thành viên tham gia (ở một số công ty còn gọi là "Hợp tác viên tiêu thụ") của công ty, bạn phải được một người tham gia trước đó giới thiệu và phải mua một sản phẩm của công ty bằng tiền với giá thường gấp 2-3 lần giá thực tế. Lúc này, công ty sẽ chứng nhận cho bạn là đã có một lượng vốn tích luỹ cá nhân (thường nhỏ hơn khoản tiền bạn đã bỏ ra), và nó được dùng để tính toán khoản thù lao sau này. Sau đó nếu bạn giới thiệu được người tham gia mới bạn sẽ được hưởng thù lao 20-40% trên vốn tích luỹ cá nhân.

Tiếp đến nếu người được bạn giới thiệu lại giới thiệu một người mới thì bạn sẽ được hưởng thù lao gián tiếp từ 1-20% vốn tích luỹ cá nhân. Rồi còn nhiều khoản thù lao nữa, nhưng tổng cộng thưong không vượt quá 50-60%. Nói chung, bạn không cần phải bán hàng, bạn chỉ cần giới thiệu người tham gia và bạn sẽ được hưởng một khoản tiền khá "béo bở". Vậy câu hỏi đặt ra là công ty lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy để chi trả thù lao cho người tham gia. Tôi đã phỏng vấn một số thành viên tham gia của công ty X, và họ trả lời rằng công ty đã lấy từ lợi nhuận bán hàng của công ty, và từ nhiều nguồn thu khác,…để chi trả. Nhưng vấn đề đặt ra là công ty đã bán hàng cho ai? Bán với giá như thế nào để có thể nuôi một bộ máy lớn như vậy? Và tại sao bạn chỉ cần mất một khoản tiền cho việc mua sản phẩm để được tham mạng lưới mà lợi ích thu về lớn như thế?

Chỉ cần làm một phép tính nhỏ thì đây quả là một trò lừa bịp. Tôi xin được đưa ra ví dụ sau đây để các bạn tham khảo:

Theo quy định của công ty X, để trở thành thành viên của mạng lưới tiêu thụ bạn phải mua một sản phẩm của công ty này với giá 3.000.000 đồng (nhưng thực tế thì sản phẩm này có giá tối đa chỉ là 1.500.000 đồng). Lúc này công ty sẽ ghi nhận vốn tích luỹ cá nhân ban đầu của bạn là 2.000.000 đồng (đây không phải là số tiền bạn được hưởng mà chỉ là con số để tính thù lao sau này).

Chúng ta sẽ tính toán lợi ích của từng người:

Đối với bạn: Giả sử giá thực tế của sản phẩm là 1.500.000 đồng, thì bạn đã mất 1.500.000 triệu đồng để được quyền tham gia mạng.

Tiếp đến giả sử bạn giới thiệu thêm 2 thành viên mới. Theo quy định bạn sẽ được nhận khoản thù lao là 20%*vốn tích luỹ cá nhân từ mỗi người, tức bạn sẽ có 20% * 2.000.000 đồng * 2 (người) = 800.000 đồng. (1)

Đến thời điểm này nếu xét về thiệt hại thì bạn chỉ bị mất 1.500.000 – 800.000 = 700.000 đồng. Tuy nhiên nếu bạn giới thiệu thêm nhiều thành viên mới nữa hoặc thành viên mới đó giới thiệu được thêm thành viên mới khác, thì bạn lại được hưởng thêm thù lao và chẳng mấy chốc bạn sẽ hoàn vốn.

Đối với công ty X: Bạn nên nhớ rằng để là thành viên của công ty X, 2 thành viên mới mà bạn giới thiệu cũng phải mua sản phẩm với giá 3.000.000 đồng. Sau khi trừ đi giá thực tế của sản phẩm thì công ty đã thu một khoản tiền từ 2 thành viên này là: 1.500.000 * 2 (người) = 3.000.000 đồng.

Bên cạnh đó do công ty X phải chi trả thù lao cho bạn là 800.000 đồng (theo 1) nên tổng số tiền thực tế mà họ thu về tính đến thời điểm này là: 1.500.000 (từ việc bán sản phẩm cho bạn) + 3.000.0000 (từ việc bán sản phẩm cho 2 người bạn của bạn) - 800.000 (trả thù lao cho bạn) = 3.700.000 (đồng). Đây quả là một con số không nhỏ so với thu nhập của bạn. Trong khi bạn phải vắt kiệt sức để "lôi kéo" "dụ dỗ" các thành viên mới tham gia, còn công ty X chỉ "ngồi chơi xơi nước" và thu tiền về. Nên nhớ rằng đây mới chỉ là tầng đầu tiên, còn nếu thêm 2, 3.. tầng nữa thì công ty này chỉ việc "ngồi rung đùi" và "hốt bạc".

Tóm lại ai là người được lợi và bị hại trong trò chơi này:

Người được lợi, chẳng ai khác chính là công ty X.

Còn người bị hại chính là bạn và các bạn của bạn (các thành viên được bạn giới thiệu). Khoản thù lao mà bạn có được thực ra chính là khoản tiền của các thành viên mà bạn giới thiệu đã bỏ ra để mua sản phẩm của công ty X. Điều này cũng giống như việc các bạn quyên góp tiền để cho một ai đó vậy, nhưng nếu các bạn quyên góp vì việc "nghĩa" thì xã hội sẽ ghi nhận còn trong trường hợp này phần lớn đồng tiền lại "nhảy" vào "túi" công ty X. Thực sự, công ty X chẳng trả gì cho bạn cả. Công ty X đã lợi dụng sự kém hiểu biết của các bạn để lừa gạt các bạn. Đặc biệt là các bạn sinh viên, nhiều bạn nhà rất nghèo nhưng vì thấy hình thức này khá dễ dàng kiếm tiền nên đã nghe theo lời dụ dỗ của các công ty. Nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để trở thành thành viên mạng lưới. Rồi một ngày nào đó công ty này giải thể, và các bạn sẽ là nạn nhân của trò lừa bịp này. Và cũng vì một khoản lợi trước mắt mà chính các bạn đã tự làm hại lẫn nhau.

Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng tiên tiến nhưng nó cũng là cách mà nhiều công ty lợi dụng để thu lợi bất chính. Chính vì vậy hành vi bán hàng hàng đa cấp bất chính đã bị Luật Cạnh tranh ngăn cấm. Khoản 1, điều 48 Luật cạnh tranh quy định: cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp "yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp." Luật Cạnh tranh sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2005, nhưng cho đến ngày đó chắc chắn sẽ có một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thúc đẩy việc lôi kéo thêm nhiều người tham gia để thu lợi bất chính và khi Luật có hiệu lực họ sẽ cao chạy xa bay, hay thay đổi phương thức hoạt động, lúc đó người tham gia sẽ là nạn nhân của trò lừa bịp này. Chắc chắn pháp luật sẽ trừng trị họ nhưng trước mắt hy vọng tất cả chúng ta hãy biết đề cao cảnh giác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét