Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Nhượng quyền thương mại - phương thức đầu tư an toàn

Nhượng quyền thương mại là một hình thức hợp tác, trong đó, bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền sử dụng mô hình, kỹ thuật kinh doanh, sản phẩm dịch vụ dưới thương hiệu của mình và nhận lại một khoản phí hay phần trăm doanh thu trong thời gian nhất định.

Nhượng quyền thương mại là một hình thức hợp tác, trong đó, bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền sử dụng mô hình, kỹ thuật kinh doanh, sản phẩm dịch vụ dưới thương hiệu của mình và nhận lại một khoản phí hay phần trăm doanh thu trong thời gian nhất định.

Trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO, nhượng quyền thương mại sẽ trở thành một trong những phương thức kinh doanh quan trọng. Hình thức này giúp các doanh nghiệp Việt Nam giữ được thị phần trước sự xâm nhập của hàng loạt tập đoàn bán lẻ, hay siêu thị nước ngoài.

Sẽ có nhiều "ông lớn" vào  Việt Nam

KFC đã thành công với 19 cửa hàng ở TP.HCM và mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Dự kiến, cuối năm 2006, KFC sẽ mở thêm 3 cửa hàng nữa ở Hà Nội và hàng loạt cửa hàng tại các tỉnh miền Bắc. Lotteria phát triển với 18 cửa hàng, sắp tới Lotteria sẽ mở chiến lược kinh doanh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để phục vụ kiểu ăn "thời công nghiệp". Hay Jollibee, loại thức ăn nhanh của Philippines do Công ty Tân Việt Hương tại TP.HCM mua nhượng quyền cũng lần lượt chào hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.HCM… Nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam tìm cơ hội phát triển thương hiệu. "Người khổng lồ" trong "làng" thực phẩm thế giới Mc Donald's; Starbucks Cafe, cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven; Wallmart... dự định sẽ đặt chân vào thị trường Việt Nam trong năm 2007. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ, Wal-Mart đang có kế hoạch hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp của Thành phố. Một số mặt hàng truyền thống của Việt Nam như thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm là những sản phẩm tiềm năng có thể áp dụng mô hình này.

Ông Han Guang Chou, Phó Tổng giám đốc Han's Singapore Pte. Ltd, một thương hiệu nổi tiếng về bánh ngọt, cà phê, đồ ăn nhanh tại Singapore cho biết, Han's đã tiêu chuẩn hóa tất cả các công đoạn, sẵn sàng "xuất ngoại" sang Việt Nam. Những đối tác mua thương hiệu của Han's sẽ được hỗ trợ về tiếp thị, quảng cáo, nhất là trong giai đoạn thiết lập ban đầu.

Dự báo, trong thời gian tới, hình thức kinh doanh này sẽ bùng phát ở Việt Nam, khi nhiều nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng đang ngấp nghé và một số thương hiệu nội cũng đang ráo riết thực hiện phương thức kinh doanh mới này.

Và nhiều thương hiệu Việt Nam hướng ra thế giới

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch mở rộng ra thị trường thế giới nhiều tiềm năng như Mỹ, EU hay Nhật Bản. Hình thức này vừa giúp doanh nghiệp thâm nhập vào những thị trường lớn với chi phí thấp, vừa là cách hữu hiệu để bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Công ty Cà phê Trung Nguyên là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nắm bắt hình thức kinh doanh này. Đến nay, thương hiệu Trung Nguyên đã có mặt tại 64 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 500 quán cà phê nhượng quyền chính thức. Thương hiệu này đã có mặt tại Nhật Bản, Campuchia, Singapore, Thái Lan. Hiện nay, mô hình G7 Mart của Trung Nguyên tiếp tục được xem là bước đột phá trong việc thực hiện nhượng quyền thương mại, nhằm cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Cùng với Công ty Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Kinh Đô cũng là một trong những doanh nghiệp rất thành công với mô hình này, với mạng lưới 150 nhà phân phối và trên 30.000 điểm bán lẻ rộng khắp trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM đang có kế hoạch mở cửa hàng fast food, sau đó sẽ nhượng quyền, mà hai đơn vị tiên phong sẽ là Kinh Đô và Vissan.

Với phương thức này, thương hiệu Phở 24 đã xây dựng được 35 cửa hàng tại ba miền Bắc-Trung-Nam và 3 cửa hàng ở nước ngoài (2 ở Indonesia; 1 ở Philippines) và dự kiến có 80 cửa hàng vào năm 2007 và 100 cửa hàng vào năm 2008, trong đó đã nhượng quyền thương mại 8 cửa hàng. Nhiều doanh nghiệp Singapore có ý định tìm kiếm đối tác Việt Nam để nhượng quyền thương mại. Theo tiến sĩ Lý Quý Trung, Giám đốc điều hành Công ty Nam An - Phở 24, việc chọn người mua franchise (nhượng quyền thương mại) là rất quan trọng, phải chọn đối tác có khả năng quản lý, điều hành và quản trị, cũng như phải trung thành với hệ thống. Với kết quả này, trong thời gian tới, Phở 24 sẽ mở rộng thương hiệu đến tận Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Công ty Tranh thêu tay XQ Silk đã chuyển nhượng thành công nhãn hiệu của mình tại Mỹ, với giá 100.000 USD. Thương hiệu thời trang Foci, trong 48 cửa hiệu thời trang Foci hiện nay, có 35 cửa hiệu nhượng quyền thương mại. Dự kiến, năm 2008, Foci sẽ nhân lên 100 cửa hiệu trên toàn quốc. Mục tiêu lâu dài của Foci là xây dựng một thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế và đưa Foci ra thế giới bằng con đường nhượng quyền thương mại.

Mô hình chuyển nhượng thương mại còn rất mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. do vậy, các doanh nghiệp cần phải chú ý đến cơ sở pháp lý, đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa trong nước và ở cả nước ngoài; đối tác nhượng quyền thương mại phải có giấy phép kinh doanh…

Theo dự báo, trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp cận phương thức này và đây chính là thời điểm thuận lợi cho mô hình nhượng quyền thương mại bùng nổ với hàng chuỗi thương hiệu Việt Nam xuất hiện trên thị trường quốc tế. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại sẽ diễn ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề này, như Diễn đàn Doanh nghiệp toàn cầu và Hội chợ franchise tổ chức tại Singapore (từ 29-10 đến 2-11-2006), với sự tham gia của 350 trong tổng số 500 tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Một đoàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ sang Singapore, vừa dự khóa đào tạo ngắn ngày về franchise, dự Hội chợ Franchise, vừa gặp gỡ các thương hiệu quốc tế để học hỏi, tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét